Công tác đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp khó khăn

Theo TTXVN-Thứ bảy, ngày 03/10/2015 07:31 GMT+7

VTV.vn - Trong thời gian qua, tại tỉnh Bình Phước, hiệu quả của công tác đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số tại các trung tâm, cơ sở dạy nghề chưa cao do còn gặp khó khăn.

Qua giám sát của Hội đồng Nhân dân tỉnh, nguyên nhân là do đa số các trung tâm, cơ sở dạy nghề trên địa bàn các huyện không có giáo viên chính thức giảng dạy, chủ yếu là các giáo viên thỉnh giảng. Hằng năm, các trung tâm dạy nghề đến mùa chiêu sinh không đủ số học viên đăng ký nên gặp khó khăn trong việc mở các lớp mới. Vì vậy, chỉ khi có điều kiện mở lớp mới, trung tâm mới mời các giáo viên từ các trường, trung tâm khác đến giảng dạy hợp đồng theo khóa học.

Ngoài ra, các trung tâm chỉ dạy nghề lao động nông thôn trình độ sơ cấp, không đào tạo những nghề mang tính dịch vụ, kỹ thuật cao nên chưa đáp ứng được nhu cầu của các công ty, doanh nghiệp và thị trường lao động. Sau khi ra trường, các học viên đã hoàn thành khóa học đi xin việc làm tại các công ty, doanh nghiệp, thường phải đào tại lại cho phù hợp với thực tế công việc mà họ làm. Từ đó, dẫn đến tỷ lệ người lao động tìm được việc làm sau khi được đào tạo nghề ngắn hạn tại các trung tâm, cơ sở dạy nghề rất thấp.

Ông Điểu Hơn, Trưởng ban Dân tộc Hội đồng Nhân dân tỉnh Bình Phước, cho biết: "Hiện nay, đa số các trung tâm dạy nghề đều nằm trên địa bàn thị xã, thị trấn nên việc đi học nghề của người dân vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số gặp rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến sản xuất và thu nhập của học viên.

Do hạn chế về trình độ, một số lao động nông thôn có tâm lý ngại học nghề nên rất ít người đăng ký tham gia các lớp học. Điển hình như tại Trung tâm dạy nghề Bình Long thuộc thị xã Bình Long, các xã phường của thị xã báo cáo không có lao động có nhu cầu học nghề theo đề án đào tạo nghề lao động nông thôn. Vì vậy, vấn đề này cần được các cấp chính quyền địa phương quan tâm, tăng cường và phát huy mọi nguồn lực, thu hút đầu tư, mở rộng và xã hội hóa các loại hình dạy nghề nhằm tạo cơ hội cho người lao động tiếp xúc với việc làm".

Toàn tỉnh Bình Phước hiện có 8 trung tâm dạy nghề và trường Cao đẳng Nghề Bình Phước. Tính từ năm 2011 đến nay, tỉnh đã đào tạo nghề cho 9.626 lao động là người dân tộc thiểu số trong tổng số 20.535 lao động. Kinh phí thực hiện chủ yếu từ ngân sách Trung ương theo chương trình mục tiêu Quốc gia việc làm - dạy nghề, giai đoạn 2011 - 2015. Đến nay, tổng kinh phí thực hiện là 32.490 triệu đồng, giải ngân cho 7.988 lao động vay vốn, giải quyết việc làm với số tiền 137.754 triệu đồng, trong đó có 2.356 lao động dân tộc thiểu số vay vốn, với số tiền vay trung bình từ 13 - 17 triệu đồng; hỗ trợ cho lao động là người dân tộc thiểu số với số tiền 16.474 triệu đồng.

Hằng năm, các trung tâm, cơ sở đào tạo nghề được tỉnh quan tâm đầu tư phát triển về cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy nghề nhưng các lớp đào tạo nghề chỉ đáp ứng một phần nhu cầu lao động đào tạo nghề của địa phương, chủ yếu là trong lĩnh vực nông nghiệp có thời gian từ 3 tháng trở xuống.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước