Bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đào tạo, Bộ GD&ĐT cho biết, có thí sinh đăng ký 50 nguyện vọng.
Thông tin với báo chí ngày 27/4, bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT cho hay, có 1 thí sinh đã đăng ký tới 50 nguyện vọng. Đây là số nguyện vọng nhiều nhất được ghi nhận trong đợt đăng ký xét tuyển vừa qua. Ngoài ra, phần đông các thí sinh đăng ký 3 nguyện vọng, chiếm khoảng 18%.
Về xu hướng xét tuyển theo ngành nghề, theo thống kê từ các Sở GD&ĐT và các điểm thu nhận hồ sơ (4031 Điểm) đã tiếp nhận hồ sơ đăng ký dự thi của thí sinh; nhập thông tin ĐKDT, ĐKXT đợt 1 của thí sinh, năm nay, tổng số nguyện vọng đăng ký xét tuyển Đại học, Cao đẳng, Trung cấp và nhóm ngành Sư phạm là 2.750.444 nguyện vọng vào 7 khối ngành. Trong đó, tổng chỉ tiêu là 455.174. Theo đó, mỗi chỉ tiêu sẽ có khoảng 6 nguyện vọng đăng ký xét tuyển.
Khối ngành Kinh doanh, Quản lý và Pháp luật có số lượng nguyện vọng xét tuyển cao nhất là 832.684 nguyện vọng, trong khi khối ngành này chỉ có 121.183 chỉ tiêu, tương đương 6,87 nguyện vọng/1 chỉ tiêu.
Khối ngành Nhân văn, Khoa học xã hội, Báo chí và Thông tin, Dịch vụ - khách sạn - du lịch, An ninh quốc phòng có 783.703 nguyện vọng đăng ký trong khi chỉ có 99.439 chỉ tiêu. Như vậy, tương đương 7,88 nguyện vọng/1 chỉ tiêu.
Thống kê chỉ tiêu theo nhóm ngành và số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển theo nhóm ngành (số liệu trích dẫn ngày 25/4/2018)
Với ngành Sư phạm, bà Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết tổng chỉ tiêu ngành Sư phạm giảm mạnh, tới 38% so với năm 2017. Thực tế, so với 2017, tốc độ giảm nguyện vọng (27 - 29%) vẫn thấp hơn tốc độ giảm chỉ tiêu (38%). Năm nay tổng chỉ tiêu vào các trường Sư phạm là 35.590, số chỉ tiêu xét kết quả thi THPT quốc gia là 24.369 (giảm 22,8% so với năm 2017) và các phương thức khác là 11.221 (giảm 55,3% so với năm 2017). Tổng số nguyện vọng sư phạm là 125.261, giảm 29% so với năm 2017. Nếu xét ở tiêu chí tỷ lệ nguyện vọng/chỉ tiêu, tỷ lệ này của các ngành đào tạo giáo viên, trình độ đại học vẫn ở vị trí trung bình trong các khối ngành (thứ 4/7 khối ngành).
Cũng theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, thống kê đăng ký xét tuyển năm 2018 cho thấy, về cơ bản các trường và thí sinh vẫn sử dụng tổ hợp truyền thống để xét tuyển giống như năm 2017. Cụ thể, năm nay tổ hợp có lượng thí sinh chọn đăng ký nhiều nhất là: A00: Toán, Lí, Hóa; D01: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh; A01: Toán, Lí, Anh văn; B00: Toán, Hóa, Sinh; C00: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí. Năm 2018, năm tổ hợp này chiếm gần 90%, năm 2017 gần 92%).
Về thông tin chọn bài thi tổ hợp:
- 341.576 thí sinh đăng ký bài thi KHTN, chiếm 37% (năm 2017: 38%).
- 444.538 thí sinh đăng ký bài thi KHXH, chiếm 48%.
- 360.16 thí sinh đăng ký cả 2 bài thi tổ hợp, chiếm 4%.
- Số còn lại 11% trên tổng số thí sinh đăng ký dự thi các môn thi thành phần của bài thi tổ hợp (số này là thí sinh tự do thi để xét tuyển ĐH, CĐ hoặc thí sinh tự do thi để xét công nhận tốt nghiệp có bảo lưu các môn thành phần của bài thi tổ hợp của năm 2017).
Về lý thuyết, có 9 môn thi và một số môn thi năng khiếu có thể thiết kế tới hơn 400 tổ hợp. Tuy nhiên kết quả thống kê cho thấy số thí sinh đăng ký xét tuyển chọn các tổ hợp mới được bổ sung rất ít: hơn 100 tổ hợp chỉ có chưa tới 10 thí sinh lựa chọn và hàng trăm tổ hợp không có trường hoặc thí sinh nào chọn.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!