Bé Thanh, bé Tâm là hai trong số 8 trẻ khuyết tật học ở lớp của cô Hạnh ở TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Với một giáo viên vốn lâu nay chỉ dạy những trẻ bình thường, việc có những học sinh hòa nhập trong lớp mình, thực sự ban đầu là một thách thức lớn.
Khi dạy trẻ khuyết tật, cô Hạnh phải nỗ lực hơn rất nhiều. Cô luôn nhìn thẳng vào mặt trẻ để các em bắt chước theo miệng của mình, lặp đi lặp lại nhiều lần. Tuy nhiên, nhiều lúc giáo viên cố, mà trò lại không nhưng cô không chọn cách bỏ mặc các bé mà ân cần, nhẫn nại như một người mẹ.
Từ việc tự học để dạy trẻ hòa nhập trong một môi trường bình thường cho đến việc thuyết phục các phụ huynh khác biết yêu thương và chấp nhận trong lớp học của con mình có những trẻ đặc biệt, cô Hạnh đã luôn luôn cố gắng hết sức mình.
Khi bắt đầu đón những học sinh khuyết tật vào học môi trường hòa nhập ở lớp mình, cô Hạnh từng nghi ngờ về chuyện học của những đứa trẻ này. Bởi các em cố lắm cũng biết được mặt chữ, biết tính toán đơn giản nên có cần mất công, mất sức cho việc học vậy không. Nhưng chính người cháu ruột của cô Hạnh, bị ung thư, phải cắt chân, vẫn khát khao đi học đã cho cô nhận thức khác.
Lòng biết ơn của các phụ huynh, sự tiến bộ mỗi ngày của những học sinh thiệt thòi thực sự luôn là món quà quý giá nhất trong cuộc đời của những người làm giáo viên và cô Hạnh giờ đang nhận được điều đó, mỗi ngày.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!