Vài ngày trước trận Chung kết quan trọng của Đường lên đỉnh Olympia, Nguyễn Hoàng Khánh vẫn tập trung dành thời gian để hoàn thành kỳ thi IELTS theo kế hoạch của mình. Nam sinh đến từ Quảng Ninh tự nhận mình là thí sinh đầu tiên lọt vào vòng Chung kết nên có tới gần một năm để ôn tập nhiều hơn và cân bằng cuộc sống sau các vòng thi trước đó. Bí quyết thu nạp kiến thức của Khánh đơn giản chỉ là tập trung nghe giảng trên lớp. Trong đó, những môn học yêu thích nhất là Lịch sử, Hoá học và Sinh học. Bên cạnh đó, Khánh thường xuyên đọc báo để cập nhật tin tức xã hội.
Như mọi thí sinh khi bước chân vào bất cứ cuộc thi nào, Hoàng Khánh cũng đặt mục tiêu cao nhất cho bản thân là giành chức vô địch. Tuy nhiên, không vì thế mà chàng trai Gen Z này đặt áp lực cho bản thân.
"Mọi người đều khuyên em giữ tinh thần thoải mái và thể hiện hết sức mình. Nếu em thi đấu thoải mái như trận thi Quý thì em có thể bộc lộ được hết khả năng của mình" – Khánh chia sẻ.
Nguyễn Hoàng Khánh là học sinh đầu tiên mang cầu truyền hình Olympia về trường THPT Bạch Đằng và là cầu truyền hình thứ tư của tỉnh Quảng Ninh. Đặc biệt, Chung kết Đường lên đỉnh Olympia diễn ra vào thời điểm chuẩn bị 60 năm kỉ niệm thành lập trường nên sự có mặt của Khánh ở trận Chung kết năm càng trở nên ý nghĩa hơn nữa.
Hoạt ngôn và dễ gần là ấn tượng đầu tiên mà mọi người đều bị thu hút bởi Nguyễn Việt Thái (trường THPT Chuyên Ngoại ngữ - trường ĐH Ngoại Ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội). Ngay từ khi ghi tên vào trận Chung kết Đường lên đỉnh Olympia, chàng trai 18 tuổi đến từ Hà Nội đã được đánh giá với thế mạnh là kinh nghiệm. Chia sẻ về điều này, Việt Thái cho biết: "Em cùng bà ngoại theo dõi chương trình từ năm lớp 2. Bà là động lực lớn nhất để em thi chương trình này. Em đã từng xuất hiện ở Chung kết Olympia năm thứ 15 với tư cách khách mời".
Đến với trận Chung kết năm nay, điều Việt Thái tự tin nhất là tinh thần luôn ổn định, đặc biệt trong thời gian thi đấu. Đây là một lợi thế quan trọng giúp nhà leo núi chinh phục đỉnh cao trong cuộc đua sắp tới.
Nếu như Hoàng Khánh tự tin ở phần thi Về đích thì Việt Thái lại cho rằng thế mạnh của mình nằm ở Khởi động "vì em thấy mình có tốc độ, chiến thuật". Nam sinh cũng hy vọng một bước khởi đầu tốt sẽ là bước đệm để Thái hoàn thành tốt các phần thi sau.
Nói về mục tiêu đặt ra cho bản thân, Thái cho biết: "Em hướng tới chiến thắng nhưng nếu không giành chiến thắng thì cũng không sao cả. Em coi đây như một bước đà để hướng tới những mục tiêu khác trong tương lai như thi THPT Quốc gia và những dự định khác trong cuộc đời…".
Kể từ năm 2003, Việt Thái là người thứ hai vinh dự mang cầu truyền hình về trường THPT Chuyên Ngoại ngữ. Nam sinh đã nhận được sự ủng hộ, cổ vũ rất nhiều từ mọi người, đặc biệt luôn được các thầy cô sát cánh, bồi đắp thêm nhiều kiến thức quan trọng.
Ngay sau cuộc thi tuần, cái tên Nguyễn Thiện Hải An đã xuất hiện dày đặc trên các mặt báo với biệt danh "chàng trai phá mọi kỷ lục". Đại diện đến từ trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội này đã xác lập kỷ lục điểm khởi động cao nhất trong lịch sử 21 năm Đường lên đỉnh Olympia với 150 điểm. Ở các vòng thi tháng, quý, Hải An tiếp tục có những màn thể hiện xuất sắc, để lại ấn tượng cho khán giả yêu mến Olympia.
Gặp Hải An trước trận Chung kết năm, nam sinh Hà Nội cho thấy rõ tinh thần hoàn toàn thoải mái. Xác định đến với Olympia là một cuộc chơi, không đặt áp lực cho bản thân và cũng không đặt mục tiêu phải giành giải, Hải An hiện tại đã sẵn sàng và mong chờ trận Chung kết sắp diễn ra.
Trước kỳ vọng của nhiều người hâm mộ đang đặt cho mình, Hải An cho biết có đọc bình luận của mọi người và rất biết ơn vì sự kỳ vọng và khích lệ đó. Tuy nhiên, nam sinh cũng khẳng định mọi bình luận đều không ảnh hưởng đến tinh thần của mình và cho biết sẽ cố hết sức để có phần thể hiện làm mọi người hài lòng.
Để có tinh thần thoải mái như hiện tại, bí quyết của Hải An là sẵn sàng chấp nhận tình huống thất bại.
Trong các phần thi, chàng trai sinh năm 2003 tự tin nhất ở phần thi từng phá kỷ lục - Khởi động, dù vậy Hải An cũng cho rằng mỗi phần đều có khó khăn riêng nên không thể chủ quan ở phần nào.
Không chỉ thể hiện tài năng piano, Hải An có niềm yêu thích với âm nhạc nói chung nên dự định sẽ tìm hiểu và học thêm các nhạc cụ khác nhau. Bên cạnh đó, nam sinh cũng năng nổ tham gia và đồng sáng lập các dự án ý nghĩa như dự án xã hội dành cho người khuyết tật, dự án hỗ trợ học sinh lớp 9 thi vào lớp 10 công lập tại Hà Nội.
Nguyễn Đình Duy Anh là gương mặt cuối cùng ghi tên mình vào trận Chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm 21. Nam sinh đến từ Nghệ An khẳng định hành trình đi đến Olympia của mình đã bắt đầu từ trước đó rất lâu, bởi kiến thức là cả một quá trình tích lũy. Vì thế, trong hai tháng kể từ sau chiến thắng ở cuộc thi Quý IV, Duy Anh dành chủ yếu thời gian để nghỉ ngơi, ăn ngủ đủ giấc để có sức khỏe và tinh thần tốt nhất.
Duy Anh cho biết hành trình đến trận Chung kết không phải là ngắn nên ai cũng hướng đến ngôi vị cao nhất là vô địch. Dù vậy, đại diện đến từ trường THPT chuyên Phan Bội Châu vẫn khiêm tốn cho rằng ba nhà leo núi "nhỉnh" hơn mình một chút ở trận Chung kết sắp diễn ra này.
Ngôi trường mà Duy Anh đang theo học - trường THPT chuyên Phan Bội Châu từng có nhà vô địch Đường lên đỉnh Olympia năm 19, Trần Thế Trung. Đặc biệt hơn, Thế Trung là người anh cũng như người bạn rất thân thiết của Duy Anh. "Trước đây khi ôn tập, mỗi tuần một lần vào chiều chủ nhật, em sang nhà anh Trung để xem Olympia cùng nhau, ôn tập môn Lý và những kiến thức khác, chơi cờ, xem hoạt hình…" - nam sinh trường Phan chia sẻ.
Bên cạnh đó, lớp trưởng lớp 12 chuyên Lý cũng nhận được sự ủng hộ lớn từ thầy cô, gia đình và bạn bè. Mẹ là cô giáo dạy Ngữ văn, đã bù đắp những kiến thức còn thiếu cho con trai. Trong mỗi bài giảng, thầy cô luôn giảng giải, nhấn mạnh những ý chính cần lưu tâm. "Không ai nói ra nhưng em biết mọi người luôn ở bên động viên em. Em cảm thấy may mắn vì điều đó" - một trong những động lực lớn để Duy Anh thể hiện hết mình trong trận thi đấu quan trọng sắp tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!