Chưa nhiều hỗ trợ cho đào tạo Khoa học cơ bản về Toán, Lý, Hoá

Khánh Nguyễn-Thứ sáu, ngày 03/03/2023 15:47 GMT+7

VTV.vn - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn chia sẻ, hiện Chính phủ đã hỗ trợ phát triển Khoa học cơ bản, nhưng hỗ trợ trực tiếp cho đào tạo thì chưa nhiều.

Số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố tại Hội nghị tuyển sinh năm 2023 diễn ra ngày 3/3 cho thấy: Năm 2022, trong số 330 cơ sở đào tạo, có 194 cơ sở có tỷ lệ sinh viên nhập học đạt trên 80% so với chỉ tiêu. Tuy nhiên, một số ngành, lĩnh vực có mức độ tuyển sinh kém. Đặc biệt, trong 3 năm liền (2020-2022), 4 lĩnh vực: Nông lâm nghiệp và Thủy sản; Khoa học sự sống; Khoa học tự nhiên và Dịch vụ xã hội đều đứng đầu danh sách các lĩnh vực tuyển sinh kém nhất. Cụ thể: Nông lâm nghiệp và Thủy sản đạt 49,1%; Khoa học sự sống 57,92%; Khoa học tự nhiên 59,43% và Dịch vụ xã hội 61,36%.

Phân tích về thực trạng này, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho rằng: "Việc tỷ lệ nhập học chênh lệch giữa các ngành, lĩnh vực đào tạo xuất phát phần lớn từ nhu cầu nguồn nhân lực của xã hội. Ngành nào có nhu cầu nhân lực lớn, thí sinh lựa chọn nhiều. Tuy nhiên, có những ngành, lĩnh vực quan trọng của đất nước nhưng ít được người học quan trọng. Nguyên nhân có thể do việc học tập các lĩnh vực này rất khó, cần nhiều trang thiết bị hơn hoặc công tác truyền thông chưa làm tốt nên thí sinh chưa hiểu rõ về cơ hội nghề nghiệp để lựa chọn theo học".

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nói: "Việc tuyển sinh đại học, cao đẳng tác động trực tiếp, hệ trọng tới trước hết gần 1 triệu học sinh lớp 12 mỗi năm và cả 2 triệu học sinh lớp 10, 11; cùng với từng đó số gia đình, chiếm ít nhất khoảng 5% dân số.

Việc gần 600.000 học sinh mỗi năm vào học trường nào, ngành nào là một trong những yếu tố quyết định tương lai không chỉ của bản thân từng học sinh và gia đình, mà còn là tương lai của đất nước, toàn xã hội".

Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, các trường đại học cần quan tâm ngành nghề gì thực sự đang có nhu cầu lớn, khảo sát để nắm bắt số liệu, xây dựng chính sách đào tạo và tuyển sinh. Bên cạnh đó, các trường đại học, trường phổ thông và xã hội cần đẩy mạnh công tác truyền thông, hướng nghiệp cho học sinh để các em hiểu rõ về các ngành đang rất cần cho sự phát triển lâu dài của đất nước. Cơ quan nhà nước cần đầu tư, hỗ trợ cho các ngành quan trọng như: Toán học, Khoa học cơ bản, Kỹ thuật công nghệ để giảm bớt khó khăn cho sinh viên nhập học vào trường. Từ đó, tạo ra sự cân đối trong việc phát triển ngành nghề, đặc biệt là những ngành thiết yếu, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của đất nước.

Chưa nhiều hỗ trợ cho đào tạo Khoa học cơ bản về Toán, Lý, Hoá - Ảnh 2.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn trao đổi với báo chí bên lề Hội nghị tuyển sinh 2023.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết: "Hiện nay, Chính phủ đã có một số chương trình hỗ trợ phát triển Khoa học cơ bản trong lĩnh vực Vật lý, Hóa học, Toán học, nhưng hỗ trợ trực tiếp cho đào tạo thì chưa nhiều. Bộ Giáo dục và Đào tạo đang được Chính phủ giao xây dựng một đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển công nghệ cao. Trong đề án này, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ đề xuất các giải pháp về chính sách hỗ trợ, kết nối nhà trường với doanh nghiệp về đào tạo nghiên cứu, hợp tác quốc tế để tăng sự thu hút của các ngành nghề này với học sinh; đồng thời, tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng như phòng thí nghiệm, thực hành; đặc biệt là hỗ trợ đào tạo sau đại học. Bản thân các trường đại học phải rất nỗ lực, với nhiều giải pháp khác nhau để thu hút thí sinh vào học các ngành Khoa học cơ bản".


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước