Trong đề thi môn Ngữ văn Kỳ thi tuyển sinh vào 10 tại Hà Nội, phần nghị luận xã hội có đề cập tới quan điểm: "Chúng ta không sống để đáp ứng mong đợi của người khác". Đây là một vấn đề muôn thuở, đồng thời gần gũi, quen thuộc với học sinh. Đặc biệt khi kỳ thi THPT Quốc gia 2024 đang đến gần, các em cần tỉnh táo khi chọn nghề, chọn trường.
Để cung cấp những cái nhìn đa chiều hơn về vấn đề này, phóng viên Thời Báo VTV đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS Nguyễn Hồi Loan xoay quanh câu chuyện chọn ngành, nghề của các sĩ tử trước thềm thi tốt nghiệp THPT năm 2024.
PV: Là một nhà hoạt động giáo dục có uy tín, thầy suy nghĩ thế nào về câu chuyện chọn nghề của các bạn trẻ hiện nay?
PGS.TS Nguyễn Hồi Loan: Ngay cả thế hệ chúng tôi, vấn đề chọn ngành, chọn nghề cho tương lai của mình là một khâu cực kỳ quan trọng. Nó quyết định tương lai, cuộc sống sau này của mỗi người, cũng như hướng phát triển của bản thân. Điều đó đặt ra cho xã hội, cho cộng đồng, cho gia đình và cho bản thân các bạn trẻ phải có kiến thức và hiểu biết nhất định về lĩnh vực mình sẽ dấn thân trong tương lai.
PV: Theo thầy, vì sao có chuyện đổ xô chọn ngành “hot” rồi sau đó lại gặp khó khăn đặc biệt khi ra trường tìm kiếm công việc? Làm thế nào để các bạn trẻ cân nhắc xu hướng xã hội một cách hiệu quả trước khi chọn ngành nghề?
PGS.TS Nguyễn Hồi Loan: Câu chuyện đó bắt nguồn từ quyết định lựa chọn đăng ký và thi tuyển vào trường cho đến khi các bạn bước vào năm nhất, đôi lúc thực tế trường khác với suy nghĩ của các bạn.
Hiện nay một số ngành nghề thu nhập rất cao, sau khi tốt nghiệp cơ hội phát triển rất nhiều, điều kiện làm việc rất tốt, thu hút sự chú ý và tham gia của các em học sinh trung học phổ thông. Tuy nhiên sau nhiều năm học tập, cơ hội việc làm tưởng rằng sẽ có nhưng thực tế nhiều bạn thất nghiệp.
Nhiều bạn sinh viên học những ngành rất “hot” như công nghệ thông tin, nhưng ra trường không tìm được việc làm. Bởi vì vấn đề tìm kiếm việc làm lệ thuộc rất nhiều yếu tố. Một trong những yếu tố quyết định là phải có một khối lượng kiến thức tốt, phải đáp ứng được các kỹ năng nghề nghiệp đòi hỏi và đặc biệt là khả năng sử dụng ngoại ngữ. Không có những điều kiện đó thì dù học nghề nào, ngành nào cũng chưa chắc có việc làm.
Do đó, lựa chọn nghề đúng, quyết tâm theo nghề và phấn đấu học, cơ hội kiếm việc làm sẽ dễ dàng hơn.
PV: Bên cạnh nhu cầu và xu hướng của xã hội, những kỳ vọng từ gia đình cũng ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn ngành nghề của con cái như thế nào, thưa thầy? Các bậc phụ huynh nên làm gì để hỗ trợ các em lựa chọn nghề nghiệp phù hợp?
PGS.TS Nguyễn Hồi Loan: Hiện nay, chúng ta vẫn giữ quan điểm giáo dục của xã hội: các bạn sinh viên năm nhất nhiều bạn vẫn lệ thuộc vào gia đình; còn các bậc phụ huynh cũng nhiều người luôn luôn bao bọc, che chở và quyết định tất cả các công việc của chính con mình.
Rất nhiều cha mẹ muốn quyết định, lựa chọn nghề nghiệp cho con mình. Đa phần, họ có một khát vọng, mong muốn con mình trở thành những người thành công. Những quyết định đó dựa trên cơ sở thành công của những cá nhân, ở những nghề nghiệp nhất định cho xã hội. Chính vì vậy, đôi khi họ không quan tâm tới mong muốn, nhu cầu thực sự của con mình, miễn là con thỏa mãn nguyện vọng của cha mẹ để đạt được những thành công đó là đủ.
Dù nhiều em có khả năng đỗ vào các trường đại học cha mẹ mong muốn, nhưng rõ ràng nó không phù hợp với nguyện vọng, mong muốn của các em. Điều đó dẫn tới các bạn cảm thấy chán nản, không say mê, thích thú học tập với ngành học do gia đình quyết định. Chúng ta phải hiểu rằng, những quyết định cần phải dựa trên cơ sở điều kiện của chính học sinh đó. Đó là năng lực, khả năng của học trò đó có thể đảm nhận được việc học hay không? Nếu bắt ép các em, rõ ràng điều đó sẽ làm hạn chế và can ngăn sự phát triển trong tương lai của chính con mình.
Việc lựa chọn ngành nghề của mỗi học sinh phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Yếu tố cốt lõi chính là bản thân các em. Bên cạnh đó, cần dựa trên cơ sở những vấn đề sau:
Thứ nhất, cần tham khảo xu hướng phát triển, xu hướng yêu cầu của xã hội trong những năm tới ở nước ta như thế nào. Gia đình và các em cần phải tham khảo thêm các luồng thông tin liên quan đến ngành nghề dự định chọn.
Thứ hai, cần hiểu rõ năng lực, đam mê, hứng thú của các em học sinh. Đó chính là tiền đề để các em phát triển khả năng sáng tạo, kiến thức sáng tạo và phát triển cá nhân khi say mê nghiên cứu vấn đề chuyên môn.
Thứ ba, yếu tố này đặc biệt quan trọng, đó là điều kiện gia đình. Cần lưu ý rằng, vấn đề lựa chọn ngành nghề và trường đại học còn phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố gia đình có khả năng đáp ứng được không? Trước mắt, ta có thể nhắc đến vấn đề học phí, vấn đề ăn ở, vấn đề đi lại, vấn đề các chương trình đào tạo, vấn đề môi trường của trường đại học ấy như thế nào. Những vấn đề đó đòi hỏi các gia đình cần có điều kiện đáp ứng. Vì vậy, đây là một yếu tố bố mẹ và bản thân các em đó phải cân nhắc trước khi quyết định ngành học, trường học.
Ba yếu tố trên là ba yếu tố cực kỳ quan trọng để các em học sinh xác định được ngành học, trường học phù hợp. Các bậc phụ huynh không nên lấy khát vọng, mong muốn của bản thân để đặt lên vai con trẻ. Chúng ta cần tôn trọng những đứa trẻ. Cha mẹ nên bàn bạc, trao đổi một cách công khai, tôn trọng với con dựa vào những yếu tố kể trên để chọn trường học, ngành học và bậc học phù hợp nhất.
PV: Chọn nghề theo đam mê chính là quan tâm đến cảm xúc của bản thân. Tuy nhiên, điều này có thể làm các bạn trẻ bỏ qua các yếu tố như cơ hội phát triển và mức lương sau này. Theo thầy, làm thế nào để các bạn trẻ cân bằng giữa đam mê cá nhân và nhu cầu thực tế của cuộc sống?
PGS.TS Nguyễn Hồi Loan: Trước hết phải hết sức lưu ý, muốn cân bằng cuộc sống, khi tốt nghiệp các em phải kiếm sống được nhờ nghề đó, từ ngành đó và xin được việc làm để mưu cầu cuộc sống của chính mình, trước mắt tự lập và sau đó vươn lên phát triển bản thân.
Thứ nhất, các bạn phải xác định được bản thân mình, tôi là ai? Tôi có khả năng, năng lực gì? Tôi có khuynh hướng gì? Tôi có nhu cầu gì và mong muốn của tôi như thế nào? Các bạn phải tự trả lời được để đánh giá bản thân. Đấy là điều quan trọng nhất.
Sau khi đã biết mình là ai, phải hết sức lưu ý chọn ngành trước, trên cơ sở đó, các bạn bắt đầu cân nhắc các trường đại học, các trường cao đẳng có đào tạo ngành này để quyết định.
Vẫn là công nghệ thông tin, nhưng trường A đào tạo khác trường B. Thậm chí các trường cao đẳng cũng đào tạo như vậy, mình lựa chọn trường phù hợp với điều kiện cá nhân mà vẫn thỏa mãn được nhu cầu, mong muốn của bản thân, rồi chọn nghề, chọn trường. Đó là cái cần hết sức lưu ý trả lời câu hỏi “Mình là ai” rồi quyết định.
Thứ hai, các bạn phải trao đổi với cha mẹ để có sự hỗ trợ một cách hiệu quả nhất, vì mọi quyết định của các bạn luôn phụ thuộc vào điều kiện kinh tế gia đình. Điều kiện gia đình có thể đáp ứng nguyện vọng của các bạn không? Phải có sự hài hòa giữa nhu cầu của bản thân mình, hướng phát triển của bản thân với điều kiện của gia đình.
Thứ ba, tuyệt đối tránh hiện tượng a dua. Thấy người ta đổ xô vào trường này mà mình cũng lao theo, đấy là hiện tượng a dua. Đó là không có chứng kiến, không có quan điểm, không có hiểu biết về việc bản thân mình là ai. Nếu làm theo sẽ không bao giờ phát triển được dẫn tới tương lai mù mịt.
PV: Ngoài ba yếu tố về xã hội, gia đình và bản thân như trên, còn có những yếu tố nào khác cần cân nhắc tới khi lựa chọn ngành nghề hay không, thưa thầy?
PGS.TS Nguyễn Hồi Loan: Trong ba yếu tố đó, cá nhân các bạn là quyết định. Muốn quyết định được tương lai phải có thông tin, có tri thức và kiến thức. Các bạn phải mở rộng hiểu biết của mình.
Khác với thế hệ chúng tôi ngày xưa, lượng thông tin am hiểu cực kì ít. Bây giờ các bạn có mạng xã hội, có những nguồn thông tin cực kỳ phong phú. Các bạn có thể trao đổi, mở rộng hiểu biết, tìm hiểu ngành nào xã hội hiện nay cần. Ngành đó ở các trường đào tạo họ yêu cầu gì, đòi hỏi như thế nào, cơ sở vật chất và các chương trình đào tạo của họ ra sao, cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp và điều kiện gia đình để cân nhắc đi đến quyết định.
Đó là các bạn thuận lợi trên mạng lưới thông tin. Nếu vẫn chưa xử lý được các thông tin đó, các bạn có thể nhờ tới sự giúp đỡ của đội ngũ các thầy cô, các chuyên gia ở các trung tâm tư vấn, hướng nghiệp.
Ví dụ, các bạn có thể lên mạng phản ánh nhu cầu, nguyện vọng và điều kiện gia đình để trung tâm tư vấn các lựa chọn phù hợp.
Do đó, có thể nói rằng thế hệ trẻ bây giờ có quá nhiều điều kiện thuận lợi hỗ trợ quyết định tương lai. Nó thuận lợi so với các thế hệ trước và cơ hội phát triển cũng từ đó rõ ràng hơn rất nhiều.
PV: Thầy có lời khuyên nào dành cho các bạn trẻ đang gặp khó khăn trong việc lựa chọn ngành nghề phù hợp?
PGS.TS Nguyễn Hồi Loan: Muốn quyết định được tương lai cho mình, các bạn phải có thông tin, có tri thức và kiến thức. Các bạn phải mở rộng tầm hiểu biết của mình lên. Quan trọng hơn, các bạn phải đánh giá và xác định được bản thân mình.
Tôi đã từng chứng kiến một số sinh viên ở năm thứ nhất, họ chán nản với ngành học dẫn tới một năm không học hành, không định hướng. Tôi rất mong muốn các bạn phải hết sức tỉnh táo. Bởi vì chỉ cần một quyết định không đủ chín chắn có thể ảnh hưởng rất nhiều đến tương lai của mình. Đó là một sự lãng phí vô cùng.
PV: Xin cảm ơn thầy!
PGS.TS Nguyễn Hồi Loan là Chuyên gia hàng đầu lĩnh vực Tâm lý học, Công tác xã hội, Xã hội học. Ông từng đảm nhận vị trí Chủ nhiệm Khoa Tâm lý học, Chủ nhiệm bộ môn Công tác xã hội Trường Đại học Khoa Học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!