Cụ thể, tiêu chí phù hợp đặc điểm kinh tế, xã hội của thành phố được quy định gồm 6 nội dung: Phù hợp với giáo dục chính trị tư tưởng, truyền thống, lý tưởng, đạo đức, lối sống cho học sinh, giúp các em thấm nhuần, tự hào với văn hóa truyền thống, năng động, sáng tạo, nghĩa tình của Thành phố Hồ Chí Minh, tự hào là công dân của Việt Nam, sống có trách nhiệm với gia đình, xã hội và cộng đồng; kiến thức hiện đại, hội nhập khu vực và quốc tế, có giá trị liên hệ thực tiễn đến đời sống hằng ngày, môi trường xung quanh học sinh.
Bên cạnh đó, sách giáo khoa phải đảm bảo tính kế thừa, phù hợp với phong tục, tập quán, lối sống, văn hóa người Việt Nam trên mọi miền đất nước, trong đó chú trọng đến phong tục, tập quán, lối sống, văn hóa của thành phố; đáp ứng được định hướng phát triển giáo dục và đào tạo của thành phố, xây dựng thành phố trở thành đô thị thông minh hướng đến đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đạt chuẩn quốc tế, đáp ứng yêu cầu hội nhập khu vực và quốc tế.
Sách giáo khoa cần khuyến khích học sinh thực hành nghiên cứu khoa học, phát huy tính tích cực, chủ động học tập, hình thành kỹ năng tự học, tự nghiên cứu cho học sinh, giáo dục gợi mở, tạo cơ hội để học sinh trải nghiệm, phát huy tối đa khả năng sáng tạo, chiếm lĩnh và vận dụng kiến thức vào cuộc sống.
Về tiêu chí phù hợp điều kiện tổ chức dạy và học tại các cơ sở giáo dục phổ thông, UBND thành phố yêu cầu, sách giáo khoa được lựa chọn phải phù hợp với năng lực, trình độ của đội ngũ quản lý, giáo viên... phục vụ mục tiêu giáo dục, nhất là trong tổ chức dạy học ngoại ngữ, tin học, chủ đề STEM, rèn luyện kỹ năng mềm giúp học sinh trở thành công dân toàn cầu, sẵn sàng cho quá trình hội nhập quốc tế và khu vực của thành phố. Bên cạnh đó phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất và thiết bị dạy học hiện đại, đáp ứng tốt, phát huy thế mạnh về công nghệ thông tin, truyền thông trong tổ chức các hoạt động giáo dục.
Ngoài ra, sách giáo khoa phải đảm bảo tính phân hóa, đa dạng loại hình trường lớp, tạo điều kiện khuyến khích cán bộ quản lý và giáo viên tâm huyết, năng động sáng tạo, phát huy năng lực, sở trường, tổ chức dạy học theo định hướng phát huy phẩm chất và năng lực của học sinh, tăng cường giáo dục kỹ năng thực hành xã hội; đáp ứng tích cực, có tính mở trong đổi mới hình thức tổ chức, phương pháp giảng dạy, học tập, kiểm tra đánh giá hướng đến giáo dục thông minh, tiệm cận dần các chuẩn mực quốc tế, xây dựng xã hội học tập.
Trên cơ sở các tiêu chí UBND thành phố quy định, Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các Phòng Giáo dục và Đào tạo, trường phổ thông chuẩn bị lựa chọn sách giáo khoa cho năm học 2021-2022.
Theo đó, các cơ sở giáo dục phổ thông tổ chức cho cán bộ quản lý, giáo viên, đại diện ban đại diện cha mẹ học sinh nghiên cứu kỹ Thông tư số 32 năm 2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với chương trình tổng thể và chương trình các môn học. Các trường phổ biến thông tin do Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhà xuất bản cung cấp, văn bản liên quan, tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa của UBND thành phố cũng như sách giáo khoa lớp 1, 2 và 6 đã được các nhà xuất bản cung cấp theo danh mục Bộ đã phê duyệt hoặc bản mẫu sách giáo khoa được đăng tải trên trang thông tin của các nhà xuất bản để lấy ý kiến giáo viên.
Trên cơ sở nghiên cứu các nội dung, cán bộ quản lý, giáo viên, đại diện ban đại diện cha mẹ học sinh chuẩn bị ý kiến cá nhân để tham gia thảo luận trong cuộc họp tổ chuyên môn và cuộc họp lựa chọn sách giáo khoa của trường.
Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố cũng đề nghị các Phòng Giáo dục và Đào tạo quận, huyện báo cáo tổng hợp kiến nghị điều chỉnh, bổ sung danh mục sách giáo khoa lớp 1 của cơ sở giáo dục phổ thông thuộc quận, huyện mình (nếu có). Việc điều chỉnh, bổ sung danh mục sách giáo khoa lớp 1 được thực hiện như việc đề xuất lựa chọn sách giáo khoa mới, với các bước họp, lựa chọn sách từ cấp tổ chuyên môn đến cấp cơ sở giáo dục.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!