Chọn ngành gì, trường nào phù hợp bản thân, ra trường không thất nghiệp?

P.L-Thứ bảy, ngày 22/08/2020 20:06 GMT+7

VTV.vn- Sau khi tốt nghiệp THPT, cần học gì để chắc chắn cho tương lai? Đại học có còn là cánh cửa dẫn tới thành công khi có tới hơn 124.000 cử nhân thất nghiệp hiện nay?

Hiện tại vừa là thời điểm các học sinh cuối cấp kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT, vừa là thời điểm các tân cử nhân ra trường. Với nhiều học sinh sau khi hoàn thành thi tốt nghiệp THPT, các em đang đứng trước nhiều hướng đi, nhiều lựa chọn. Còn với những cử nhân ra trường, nhiều bạn đang loay hoay, khó khăn trong việc tìm việc làm. Trong khi đó, dịch COVID-19 đang khiến hàng chục triệu người lao động bấp bênh với nỗi lo mất việc hay tìm việc mỗi ngày.

Các tân cử nhân chật vật tìm việc làm trong mùa dịch COVID-19

Nỗi lo tìm kiếm việc làm đúng thời điểm dịch COVID-19 diễn ra đang là khó khăn chung đối với các sinh viên mới ra trường.

Dù tốt nghiệp khoa Phát thanh - Truyền hình nhưng công việc đầu tiên sau khi ra trường của Lê Thị Nhung, một tân cử nhân, lại là gia sư. Theo Nhung, mức lương mỗi tháng cho công việc này rơi vào khoảng 5 triệu đồng, khá là khó khăn cho các khoản chi tiêu khi sinh sống tại Hà Nội.

Đối với Đàm Mỹ Linh - cử nhân khoa Ngôn ngữ học, cô cũng phải chấp nhận công việc làm thêm với mức lương thấp suốt 4 tháng qua vì gần như toàn bộ đơn xin việc gửi đi đều bị từ chối.

Mùa dịch COVID-19 còn khiến các tân cử nhân gặp khó khăn hơn khi tìm việc vì phải cạnh tranh với một lượng lớn lao động đã có kinh nghiệm. Tại Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội, có tới 50.000 người lao động được giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp từ đầu năm tới nay. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 7.000 người lao động kết nối việc làm thành công, tương đương gần 15%.

Có thể thấy, việc làm đang thực sự là mối lo lớn đối với một bộ phận người lao động hiện nay, đặc biệt là hàng nghìn sinh viên ra trường thời điểm này. Thực trạng này cũng khiến các sĩ tử của mùa thi năm nay thêm rối bời khi lựa chọn trường, ngành học thời gian tới.

Làm sao để tăng cơ hội có việc làm trong thị trường cạnh tranh hiện nay?

Theo ông Vũ Chí Thành - Giám đốc Cao đẳng FPT Polytechnic, trong thời buổi nền kinh tế mở hiện nay, các quốc gia có thể đem lao động từ nước họ qua nước khác và họ cũng có thể sử dụng sinh viên sau khi tốt nghiệp làm việc ngay tại Việt Nam. Do đó, việc cập nhật kiến thức so với khu vực và thế giới, khả năng sử dụng ngoại ngữ cộng với nền tảng tin học chính là những yếu tố cần bổ sung giúp người lao động có cơ hội tìm kiếm việc làm cao hơn.

Chọn ngành gì, trường nào phù hợp bản thân, ra trường không thất nghiệp? - Ảnh 1.

Ông Vũ Chí Thành - Giám đốc Cao đẳng FPT Polytechnic

Là người từng làm việc với nhiều doanh nghiệp, lắng nghe chia sẻ của các chủ doanh nghiệp và Giám đốc nhân sự, bà Ngô Thị Ngọc Lan - Giám đốc khu vực miền Bắc của Navigos - cho biết, khi tuyển dụng việc làm, các doanh nghiệp thường đặt ra một số yêu cầu đối với tân cử nhân về kỹ năng cứng và kỹ năng mềm. Cụ thể, về kỹ năng cứng, ngành học của bạn có đáp ứng được yêu cầu mà doanh nghiệp đang cần hay không, các kiến thức bạn học trong nhà trường có thực sự là những cái mà doanh nghiệp cần hay không... Về kỹ năng mềm, trình độ ngoại ngữ, cách làm việc, hợp tác với đồng nghiệp... đều là những yếu tố mà chủ doanh nghiệp quan tâm.

Chọn ngành gì, trường nào phù hợp bản thân, ra trường không thất nghiệp? - Ảnh 2.

Ngô Thị Ngọc Lan - Giám đốc khu vực miền Bắc của Navigos

Ngoài ra, theo bà Ngô Thị Ngọc Lan, nhiều doanh nghiệp còn chú ý tới mức độ phù hợp về văn hóa doanh nghiệp. Mỗi tân cử nhân khi ra trường đều có những yếu tố đặc trưng khác nhau và các bạn trẻ hiện nay thường có xu hướng muốn thể hiện bản thân mình rất cao. Tuy nhiên, việc thể hiện bản thân đó có phù hợp với văn hóa của doanh nghiệp tuyển dụng hay không là điều mà các bạn cần chú ý.

Có thể thấy, nhiều công ty khi tuyển dụng thường đặt ra yêu cầu về kinh nghiệm làm việc. Các tân cử nhân thường cho rằng mình chưa đi làm và vì vậy chưa thể đáp ứng được yêu cầu này. Tuy nhiên, theo ông Hoàng Nam Tiến - Chủ tịch FPT Telecom, quan niệm này là hoàn toàn sai lầm.

Chọn ngành gì, trường nào phù hợp bản thân, ra trường không thất nghiệp? - Ảnh 3.

Ông Hoàng Nam Tiến - Chủ tịch FPT Telecom

Ví dụ như tại Cao đẳng FPT Polytechnic, ngay khi ra trường, các sinh viên đều đã có kinh nghiệm từ 1 - 2 năm. Trong quá trình học, các bạn đã trải qua học kỳ "​On the Job Training", cho phép các bạn vừa học tập, vừa làm việc trong môi trường thực tế như tại các doanh nghiệp, công ty bên ngoài. Ông Hoàng Nam Tiến khuyến khích các sinh viên nên kiếm tiền bằng chính ngành mà mình theo học để sau này có được công việc nghiêm túc sau khi ra trường.

Chủ tịch FPT Telecom cũng cho rằng, khác với thế hệ trước, thế hệ Z hiện nay, gồm các bạn trẻ ra đời sau năm 1996, cần có năng lực "học tập suốt đời". Với sự phát triển không ngừng của công nghệ, khả năng "học tập suốt đời" sẽ giúp thế hệ Z bắt kịp thời đại, cập nhật theo xu thế và thăng tiến trong công việc. Hiện tại là thời điểm xã hội luôn biến động, khó lường trước được, do đó, khả năng linh hoạt thích ứng của mỗi sinh viên càng cần thể hiện rõ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước