Theo đó, Chính phủ đề xuất chuyển Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh về Bộ GD&ĐT để quản lý. Đồng thời, Chính phủ giao 2 đại học quốc gia đề xuất phương án sắp xếp, cơ cấu lại và giảm mạnh tổ chức bên trong.
Đối với hai Viện Hàn lâm, Chính phủ đưa ra 2 phương án. Trong đó, phương án một là hợp nhất Viện Hàn lâm Khoa học xã hội với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ thành Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam.
Phương án 2 là duy trì 2 Viện Hàn lâm nhưng thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy và biên chế, bảo đảm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, đáp ứng yêu cầu của Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ Việt Nam.
Năm 1993, Chính phủ tổ chức lại 3 trường đại học hiện có tại Hà Nội là Đại học Tổng hợp (nay là Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Khoa học Tự nhiên), Đại học Sư phạm Ngoại ngữ (nay là Đại học Ngoại ngữ) và Đại học Sư phạm Hà Nội I (cũ) thành cơ sở giáo dục lấy tên là Đại học Quốc gia Hà Nội.
Đến tháng 11/2023, ĐH Quốc gia Hà Nội có 4.900 cán bộ (viên chức và người lao động), 2.720 cán bộ khoa học, gần 1.400 giảng viên thỉnh giảng.
Hiện, đại học này có 9 trường đại học, 3 trường và một khoa trực thuộc, cùng với đó là 6 viện nghiên cứu, trung tâm, 15 đơn vị phục vụ, dịch vụ, 8 đơn vị khác.
Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh ban đầu được thành lập vào ngày 27/1/1995 trên cơ sở sắp xếp lại 9 trường đại học trên địa bàn thành phố nhưng chính thức ra mắt vào ngày 6/2/1996.
Đến nay, đại học này là một trong những cơ sở giáo dục lớn nhất Việt Nam với 36 đơn vị, trong đó có 8 trường đại học thành viên, một viện nghiên cứu khoa học thành viên, một phân hiệu tại tỉnh Bến Tre và 25 đơn vị trực thuộc là các tổ chức khoa học và công nghệ, thư viện, các tổ chức phục vụ đào tạo, dịch vụ.
Đại học này đào tạo 93.939 sinh viên ĐH, 7.122 học viên cao học, 995 nghiên cứu sinh, cùng đội ngũ học giả với 34 giáo sư, 312 phó giáo sư và 1.197 tiến sĩ.
Hai đại học quốc gia đang hoạt động theo cơ chế đặc thù. Hàng năm, hai đại học được Chính phủ giao các chỉ tiêu, kế hoạch; có tư cách pháp nhân, có con dấu mang hình Quốc huy. Giám đốc, các phó giám đốc và chủ tịch hội đồng đại học do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm.
Các đại học vùng hoặc các học viện, trường đại học đều do Bộ GD&ĐT hoặc bộ, ngành quản lý bổ nhiệm, miễn nhiệm giám đốc, phó giám đốc, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng và chủ tịch hội đồng đại học/học viện/trường.
Đại học quốc gia đang hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao; được làm việc trực tiếp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về những vấn đề liên quan đến hoạt động và phát triển của đại học.
Về trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ cụ thể được nêu trong văn bản Kế hoạch định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ, giao 2 ĐH quốc gia đề xuất phương án sắp xếp, cơ cấu lại và giảm mạnh tổ chức bên trong để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ĐH quốc gia (sau khi chuyển về Bộ GD-ĐT quản lý).
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!