Càng nghèo, càng khó càng đặt vấn đề lối thoát từ giáo dục
Trong phát biểu, Bộ trưởng khẳng định sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo Bộ GDĐT với giáo dục Đắk Nông nói riêng và giáo dục Tây Nguyên nói chung. Bởi theo Bộ trưởng, giáo dục với vùng Tây Nguyên không chỉ là giáo dục để phát triển con người, để cung cấp nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội, mà giáo dục đối với Tây Nguyên còn là thể hiện tình cảm, là câu chuyện an ninh quốc gia, đoàn kết dân tộc, câu chuyện phát triển bền vững của vùng, của đất nước...
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024 của ngành Giáo dục tỉnh Đắk Nông
Ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng của giáo dục Đắk Nông trong điều kiện của một địa phương còn nhiều khó khăn, Bộ trưởng đồng thời nhấn mạnh tới những việc phải làm trong thời gian tới để triển khai các nhiệm vụ lớn của ngành. Trong đó, trước hết "cần sự quan tâm ráo riết, sâu sát hơn nữa, quyết tâm chiến lược cao hơn nữa của tỉnh cho phát triển giáo dục".
"Đắk Nông là tỉnh khó khăn, giáo dục đứng trước đầy thách thức nhưng theo tôi tỉnh càng nghèo, càng khó càng cần phải ráo riết, quyết tâm thúc đẩy giáo dục. Vì con đường để chúng ta thoát nghèo không gì khác phải bắt đầu bằng con đường đẩy mạnh giáo dục. Càng nghèo, càng khó chúng ta càng đặt vấn đề lối thoát ở nơi giáo dục", nêu quan điểm này, Bộ trưởng mong rằng, lãnh đạo tỉnh đã quan tâm tới giáo dục rồi sẽ quan tâm hơn nữa.
Thứ hai, theo Bộ trưởng, giáo dục Đắk Nông cần đặt ra mục tiêu một cách phù hợp, Trong nhiều ngổn ngang cần giải quyết, từ cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chuyên môn, chất lượng… cần đặt trọng tâm gỡ dần ở đâu trong điều kiện có thể. "Làm tốt từng việc một và trong điều kiện có thể, khả thi".
Một số nhóm việc cụ thể được Bộ trưởng lưu ý cần hoàn thiện ngay với tỉnh Đắk Nông. Đó là quan tâm đặc biệt tới giáo dục dân tộc, gồm: tỷ lệ huy động trẻ em là đồng bào dân tộc thiểu số; rà soát, sắp xếp, đầu tư hệ thống các trường nội trú, bán trú; quan tâm tới đời sống của học sinh, giáo viên trong các trường nội trú, bán trú; quan tâm phát triển đội ngũ giáo viên là người dân tộc thiểu số; giảm thiểu sự chênh lệch giữa giáo dục vùng thuận lợi với vùng khó khăn khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018…
Bộ trưởng cũng đề cập tới mối quan tâm dành cho phát triển và nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, bởi chất lượng và năng lực của đội ngũ có ý nghĩ quyết định đến chất lượng đổi mới. Theo Bộ trưởng, với những địa bàn khó khăn, khi tính chủ động của đội ngũ còn chưa cao thì bài toán đặt ra không chỉ là đảm bảo số lượng mà cần hỗ trợ nhiều hơn, tập huấn nhiều hơn, làm nhiều việc hơn để nâng cao năng lực của đội ngũ.
"Có như vậy các mục tiêu đổi mới mới đạt được về chiều sâu và chúng ta mới không tụt hậu xa hơn về khoảng cách với các vùng thuận lợi", Bộ trưởng chia sẻ, đồng thời khẳng định, về phía trách nhiệm của mình, Bộ GDĐT sẽ làm nhiều hơn cho vấn đề này, chứ không chỉ dừng lại ở giải quyết vấn đề số lượng.
Về một số việc chuẩn bị cho năm học mới - năm trọng tâm, trọng điểm của chu trình đổi mới giáo dục phổ thông, Bộ trưởng đề nghị tỉnh Đắk Nông quan tâm tìm cách giải quyết ngay các vấn đề trước mắt như thiếu giáo viên để năm học mới vận hành bình thường; rà soát đảm bảo đầy đủ sách giáo khoa trước năm học mới, có chính sách hỗ trợ đối với học sinh khó khăn; triển khai các hoạt động chuyên môn phù hợp và hiệu quả trong năm học mới…
"Với kinh nghiệm, với quyết tâm, với sáng tạo đã làm được trong thời gian vừa qua, mong rằng ngành Giáo dục Đắk Nông sẽ tiếp tục hoàn thành được các yêu cầu chuyên môn của năm học mới", Bộ trưởng gửi gắm.
Ưu tiên đầu tư giáo dục dân tộc, đảm bảo phát triển giáo dục bền vững
Năm học 2022-2023, toàn tỉnh Đắk Nông có 367 cơ sở giáo dục, gồm 41 cơ sở giáo dục ngoài công lập. Tổng số học sinh toàn tỉnh là 182.675 học sinh với 5.577 nhóm, lớp, trong đó có 58.120 học sinh dân tộc thiểu số (chiếm 31,8%). Quy mô mạng lưới trường, lớp, học sinh tiếp tục ổn định. Từng bước nâng cao chất lượng hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú để nâng cao chất lượng giáo dục học sinh dân tộc thiểu số.
Toàn ngành Giáo dục Đắk Nông hiện có 11.018 cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên, trong đó công lập có 10.373 người , ngoài công lập có 645 người. Số lượng này chưa bảo đảm theo định mức quy định, chưa đáp ứng yêu cầu khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập của tỉnh Đắk Nông đang thiếu nhiều so với định mức là 1.021 người.
Chất lượng đầu tư cơ sở vật chất, cơ cấu tài chính tuy có nhiều chuyển biến nhưng vẫn còn chậm chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương, nhất là ở vùng điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nguồn lực đầu tư cho giáo dục chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước và kinh phí các chương trình mục tiêu. Việc huy động các nhà đầu tư mở trường ở các xã vùng khó khăn khó thực hiện.
Mặc dù còn nhiều khó khăn song chất lượng giáo dục toàn diện ngày được nâng lên. Tỷ lệ huy động học sinh ra lớp vượt chỉ tiêu ở tất cả các cấp học, bậc học. Chương trình giáo dục phổ thông mới được triển khai đáp ứng yêu cầu. Các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số được đẩy mạnh; công bằng xã hội trong giáo dục được bảo đảm tốt hơn, đặc biệt là các chính sách cho học sinh và giáo viên vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Năm học 2023-2024, phương hướng đặt ra với giáo dục mầm non tỉnh Đắk Nông là phát triển mạng lưới trường, lớp mầm non đáp ứng nhu cầu chăm sóc giáo dục trẻ, đặc biệt tại các khu vực đông dân cư, khu vực có nhiều dân di cư tự do, khu công nghiệp, khu chế xuất. Duy trì ổn định tỷ lệ trẻ tới trường, tăng tỷ lệ huy động trẻ ra lớp ở những nơi có điều kiện. Duy trì, nâng cao chất lượng Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi.
Đối với giáo dục phổ thông là triển khai hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đẩy mạnh công tác phân luồng học sinh sau THCS, THPT. Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, phát triển giáo dục mũi nhọn, tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh. Nâng cao chất lượng công tác thi, kiểm tra đánh giá, đặc biệt là kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Giáo dục dân tộc trong năm học mới sẽ tiếp tục thực hiện cơ chế, chính sách ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục dân tộc, đảm bảo các điều kiện phát triển giáo dục bền vững góp phần ổn định chính trị, giữ vững an ninh. Thực hiện hiệu quả công tác tăng cường Tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số ở các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!