Cần bổ sung hơn 20 triệu sách giáo khoa cho các trường học bị ảnh hưởng bởi bão số 3

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 19/09/2024 10:55 GMT+7

VTV.vn - Cần có những biện pháp khắc phục kịp thời để sớm ổn định hoạt động dạy và học tại các vùng bị ảnh hưởng nặng nề sau cơn bão số 3.

Gần 60 học sinh, giáo viên tử vong và mất tích, gần 100 trường hoặc điểm trường ở miền Bắc vẫn chưa thể dạy học do nước chưa rút hết. Nhiều công trình trường học bị sập đổ, tốc mái, thiết bị dạy học, bàn ghế, sách vở bị nước cuốn trôi, hư hỏng nặng. Ngành giáo dục ở các địa phương chịu nhiều thiệt hại do cơn bão số 3 và mưa lũ, sạt lở đất và lũ quét. Tính đến thời điểm hiện tại, tổng thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra cho ngành giáo dục đã lên đến hơn 1.200 tỷ đồng. Dẫu có nhiều mất mát, cả về người và của do bão lũ, nhưng từ tuần này, các địa phương đã nỗ lực để dần đưa học sinh quay trở lại trường.

"Sau cơn bão số 3, ngành giáo dục chịu thiệt hại rất lớn. Không chỉ thiệt hại về trường lớp, về trang thiết bị dạy học, mà có những thiệt hại rất khó đo đong đếm được, đó là sang chấn tâm lý của học sinh, sự hoảng sợ của giáo viên và nỗi lo lắng về đời sống, vật chất. Những ảnh hưởng này khiến nhiều giáo viên mất cân bằng trong cuộc sống và công việc, đặc biệt khi đồ dùng, thiết bị dạy học bị hư hỏng nghiêm trọng. Bên cạnh đó, việc dạy học bị gián đoạn kéo dài khiến cho quá trình khôi phục, lấy lại thăng bằng giảng dạy cũng gặp nhiều khó khăn", Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Ân, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam chia sẻ.

Cần bổ sung hơn 20 triệu sách giáo khoa cho các trường học bị ảnh hưởng bởi bão số 3 - Ảnh 1.

T.S Nguyễn Ngọc Ân, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam chia sẻ về những khó khăn của ngành giáo dục, sau ảnh hưởng của cơn bão số 3

Ngày 18/9, đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã tới thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các trường học tại huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ. Đây cũng là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của cơn bão số 3 tại tỉnh Phú Thọ. Ngày 18/9 cũng là buổi học đầu tiên, sau gần 10 ngày gián đoạn của học sinh và giáo viên của các trường học trên địa bàn.

Cần bổ sung hơn 20 triệu sách giáo khoa cho các trường học bị ảnh hưởng bởi bão số 3 - Ảnh 2.

Tiết học đầu tiên tại Trường Tiểu học Kim Đồng, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái sau cơn bão số 3

"Trang thiết bị dạy học của các trường bị hư hỏng nặng. Loa đài, âm thanh, thiết bị dạy học đã bị hỏng, hiện vẫn chồng chất lên các vị trí cao và đang chờ được sửa chữa. Đoàn công tác đã đến thăm 3 trường, có gần 100 học sinh chưa thể đến lớp do vẫn đang ở trong vùng bị lũ và chưa thể ra ngoài được. Điều đáng lo ngại là tình trạng ô nhiễm môi trường nặng nề. Cây cỏ, súc vật, gia súc chết đã thu dọn ra khỏi trường học, nhưng mùi xú ế vẫn nồng nặc ở các trường và không có nguồn nước sạch. Các trường học chỉ trông chờ vào nước từ những két nước của huyện Hạ Hòa mang đến để hỗ trợ cho sinh hoạt", T.S Nguyễn Ngọc Ân cho biết.

Cần bổ sung hơn 20 triệu sách giáo khoa cho các trường học bị ảnh hưởng bởi bão số 3 - Ảnh 3.
Cần bổ sung hơn 20 triệu sách giáo khoa cho các trường học bị ảnh hưởng bởi bão số 3 - Ảnh 4.

Sách giáo khoa tại công ty sách và thiết bị trường học của tỉnh Yên Bái bị mục nát

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo, dù có chủ trương đưa học sinh và giáo viên trở lại trường sớm nhất có thể nhưng phải đảm bảo an toàn. Các lớp học, phòng học, trang thiết bị dạy học bị ngấm nước lâu ngày có thể gây ra tai nạn không lường trước. Thứ hai, nhiều trường học đã triển khai hình thức dạy học trực tuyến. Thứ ba, những trường nào bố trí được phòng học, cần bố trí học dồn, học ghép, tăng cường giáo viên dạy học ngoài giờ, dạy học phụ đạo buổi sáng, buổi chiều cho học sinh. Một số trường học nên chủ động chuyển trường, chuyển lớp. Đối với những học sinh chưa thể đến được trường đang theo học, có thể học tạm thời ở các trường hoặc lớp học khác để giải quyết các vấn đề học tập trước mắt.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã chỉ đạo các địa phương tiếp tục khẩn trương tập trung rà soát, đánh giá thiệt hại, tổng hợp báo cáo để đề xuất các cơ quan thẩm quyền hỗ trợ kinh phí khắc phục hậu quả. Một trong những khó khăn trước mắt cần phải giải quyết ngay, đó là thiếu sách giáo khoa. Các nhà xuất bản tạm tính sẽ cần phải bổ sung khoảng 20 triệu cuốn sách giáo khoa cho các tỉnh, thành bị ảnh hưởng bởi bão lũ.

"Theo thống kê, cần khoảng hơn 40.000 bộ sách giáo khoa để hỗ trợ cho các trường học. Hiện nay, các địa phương chọn các bộ sách khác nhau và việc cung ứng sách giáo khoa cho học sinh cũng phải trên cơ sở là ở địa phương đấy chọn bộ sách giáo khoa gì. Bên cạnh đó, sách giáo khoa không thể cung ứng ngay lập tức được mà phải vận chuyển từ miền Nam ra Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Ngoài sách giáo khoa, đồ dùng dạy học hiện nay cũng rất cấp thiết, bởi nhiều thiết bị đã bị hư hỏng nặng nề", TS Nguyễn Ngọc Ân chia sẻ thêm.

Cần bổ sung hơn 20 triệu sách giáo khoa cho các trường học bị ảnh hưởng bởi bão số 3 - Ảnh 5.
Cần bổ sung hơn 20 triệu sách giáo khoa cho các trường học bị ảnh hưởng bởi bão số 3 - Ảnh 6.

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và Công ty cổ phần Đầu tư xuất bản-Thiết bị Giáo dục Việt Nam đã dồn toàn lực cho việc cung ứng sách về các vùng bị ảnh hưởng

Theo TS Nguyễn Ngọc Ân, ngay khi bão đi qua, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ký quyết định thành lập tổ công tác cứu trợ bão, lũ ở các trường học, ngành giáo dục của các tỉnh bị ảnh hưởng. Tổ công tác đã huy động nguồn lực từ đội ngũ nhà giáo, người lao động trên cả nước, học sinh, sinh viên và các doanh nghiệp, đơn vị ngoài nhà trường. Sau đó, tổ công tác sẽ hỗ trợ giáo viên, học sinh ổn định cuộc sống, cấp phát trang thiết bị để giáo viên nhanh chóng có đồ dùng dạy học. Các trường học cũng sẽ được cung cấp đồ dùng dạy học để tổ chức dạy học bình thường. Đồng thời, tổ công tác sẽ hỗ trợ học sinh ở những vùng khó khăn và gia đình gặp nạn do bão lũ, giúp các em có thể đến trường được ngay. Bên cạnh đó, tổ công tác sẽ rà soát và lập ra danh mục giáo viên thiệt mạng, bị thương, giáo viên có nhà bị ngập lụt, cuốn trôi, giáo viên có hoàn cảnh khó khăn để để hỗ trợ kịp thời. Hiện nay, tổ công tác đang chỉ đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục dùng nguồn lực được hỗ trợ đó để hỗ trợ giáo viên có phương tiện đến trường, có phương tiện liên lạc, có đủ các thiết bị, đồ dùng cũng như là các vật dụng đời sống thường ngày để họ ổn định, yên tâm và có thể tổ chức dạy học ở trường học được ngay.

"Cơn bão đi qua, đa số học sinh ở vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa gặp nạn nhiều hơn và việc vận động học sinh đến trường rất khó. Vì vậy, Công đoàn giáo dục Việt Nam cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có một kế hoạch liên tịch để tìm các giải pháp động viên giáo viên cũng như chỉ đạo các địa phương phối hợp để động viên gia đình động viên học sinh đến trường. Trong kế hoạch liên tịch, chúng tôi sẽ hỗ trợ kinh phí để giáo viên hỗ trợ gia đình và động viên, giúp đỡ học sinh khắc phục khó khăn để sớm quay trở lại trường học", TS Nguyễn Ngọc Ân cho biết thêm.

Cũng theo TS Nguyễn Ngọc Ân, trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có chương trình tổng kết về kiên cố hóa trường học. Đây là dịp nhìn lại việc thực hiện kiên cố hóa trường học ở 15 địa phương, rút kinh nghiệm và xây dựng chiến lược dài hơi trong việc xây dựng trường học kiên cố, ổn định. Với mục tiêu là đảm bảo các trường học có khả năng đối phó với các diễn biến xấu do thiên tai và dịch bệnh.

Bão số 3 đi qua để lại rất nhiều khó khăn cho ngành giáo dục, nhưng ưu tiên lớn nhất lúc này đó là bảo đảm an toàn cho học sinh, giáo viên cung ứng sách giáo khoa và thiết bị dạy học, sửa chữa cơ sở vật chất trường, lớp học. Kế hoạch dạy bù và hỗ trợ giáo viên, học sinh cùng các trẻ em bị ảnh hưởng bởi bão, lũ chắc chắn sẽ còn nhiều khó khăn, bởi thiên tai là điều khó lường.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước