Nhóm công tác về phát triển nguồn nhân lực của diễn đàn APEC đã chỉ ra rằng thị trường lao động đòi hỏi các nền kinh tế APEC cần chia sẻ các cơ hội hợp tác, đầu tư và đào tạo nghề, nhất là trong bối cảnh khoa học, công nghệ không ngừng phát triển. Khi cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, càng đòi hỏi cơ cấu, lực lượng lao động phải thay đổi; cần tiếp cận nghề mới và có sự chuyển đổi mạnh sang các ngành dịch vụ, các công việc mang tính sáng tạo trước thực tế công việc giản đơn sẽ dần bị thay thế bởi robot. Theo các chuyên gia, để phát huy được sự sáng tạo của mỗi lao động, không còn cách nào khác là phải cải cách, thay đổi ngay từ khâu đào tạo.
Lần đầu tiên các học viên khoa điện, trường Cao đẳng cơ điện Hà Nội tiếp xúc với khái niệm 4.0 cả về lý thuyết và thực hành. Đây là kết quả sau 3 năm chuẩn bị của trường về giáo trình và thiết bị giảng dạy. Chỉ hơn 2 năm nữa, học viên ra trường được kỳ vọng là những kỹ thuật viên trong các dây chuyền tự động hóa cơ khí và điện tử với mức thu nhập từ 8 - 10 triệu đồng/tháng.
Chính các trường nghề đang chịu áp lực của 4.0, in ấn là một trong nghề chịu nhiều tác động. Vẫn là những chiếc máy in cách đây 20 năm để học viên thực hành để hiểu nguyên lý. Nhưng đồng thời, trường Cao đẳng công nghiệp in cũng đầu tư một số máy in tự động hóa hiện đại nhất: từ thiết kế, chế bản điện tử rồi ra sản phẩm đều được số hóa để học viên cập nhật, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nhận định giáo dục, đào tạo kỹ năng để tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0 là một thách thức với công tác giáo dục nghề nghiệp cho cả lao động có kỹ năng bậc trung nếu họ không trang bị các kiến thức mới, đó là kỹ năng sáng tạo vì công việc giản đơn đã có máy móc thay thế.
Quá trình tự động hóa đang đòi hỏi tính thích nghi và tái cơ cấu lại thị trường lao động phục vụ sản xuất công nghiệp, mà trong đó đào tạo nghề phải đi trước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!