Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Đổi mới giáo dục càng sâu rộng càng nhiều thách thức, cần kiên trì!

Khánh Nguyễn - Ảnh: Dương Duy-Thứ hai, ngày 12/02/2024 19:39 GMT+7

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn

VTV.vn -Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhìn nhận, việc đổi mới càng sâu sắc, càng toàn diện thì những thách thức và khó khăn càng lớn.

Nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã có cuộc chia sẻ với VTV Times về công cuộc đổi mới giáo dục và các vấn đề liên quan đến ngành giáo dục trong năm mới 2024.

Thưa Bộ trưởng, chương trình giáo dục phổ thông mới đã triển khai được 4 năm, năm nay, chương trình cũng như sách giáo khoa mới sẽ được thực hiện ở các lớp cuối cấp là lớp 5, 9 và 12. Vậy trong năm 2024 này, Bộ trưởng có thể nhìn nhận và đánh giá ra sao về những thuận lợi và thách thức khi triển khai?

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Trước hết, nói về thuận lợi khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới trong năm nay đó là, sau nhiều năm triển khai, từng giáo viên, từng trường học, từng địa phương cũng như ở toàn ngành Giáo dục đều đã có nhiều kinh nghiệm.

Chúng tôi đã tổ chức tập huấn cho giáo viên, tổ chức ở trường học cũng như hướng dẫn sử dụng sách giáo khoa của chương trình giáo dục phổ thông mới… Do đó, với kinh nghiệm đã được đúc rút từ mấy năm qua, khi triển khai trong năm 2024 sẽ thuận lợi hơn. Trong quá trình chuẩn bị và triển khai, đã xuất hiện những vướng mắc nhưng chúng tôi đã có sự điều chỉnh để giáo viên cũng như cơ sở giáo dục thực hiện thuận lợi hơn.

Hai là, các địa phương rất tích cực trong khâu chuẩn bị. Qua số liệu báo cáo, các địa phương đã dồn lực đầu tư ưu tiên cho việc trang bị cơ sở vật chất, xây mới trường học, phòng học, quan tâm tới giáo viên nhiều hơn. Đây cũng là điều thuận lợi trong thời gian tới. Đặc biệt, các giáo viên trong những năm vừa qua đã nhập cuộc với tinh thần, khí thế quyết tâm.

Tuy nhiên, chúng ta có thể nhìn thấy, năm 2024 là năm triển khai ở các lớp cuối cấp – là những lớp rất quan trọng liên quan đến nội dung thi chuyển cấp, tốt nghiệp nên được phụ huynh, giáo viên và nhà trường đặc biệt quan tâm và chú trọng nên thách thức cũng nhiều hơn. Các địa phương đã rất tích cực nhưng cũng nhiều nơi còn gặp khó khăn như thiếu phòng học, trang thiết bị và cả giáo viên nên sự chuẩn bị cần có thêm thời gian.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Đổi mới giáo dục càng sâu rộng càng nhiều thách thức, cần kiên trì! - Ảnh 1.

Một số khó khăn gặp phải ở những năm trước thì ở năm nay sẽ lớn hơn, nhưng chúng tôi đã lường trước và Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ cùng các địa phương tích cực triển khai, khắc phục khó khăn để đạt được kết quả như mong muốn.

Như Bộ trưởng đã chia sẻ, đã đổi mới thì phải có thách thức, các thầy cô và nhà trường phải có tinh thần để vượt khó. Tuy nhiên, chương trình giáo dục phổ thông mới đã bước sang năm thứ 4 nhưng nhiều nơi vẫn còn tình trạng thiếu, thậm chí thiếu trầm trọng giáo viên, thiếu cơ sở vật chất và trang thiết bị, việc dạy tích hợp hay tổ hợp vẫn còn nhiều vướng mắc. Vậy những khó khăn trên sẽ còn kéo dài bao lâu và năm 2024 này sẽ có chuyển biến thế nào, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Việc đổi mới càng sâu sắc, càng toàn diện thì những thách thức và khó khăn càng lớn. Bản thân cái cũ, thói quen, sức ì của cái cũ đã là một thách thức đối với giáo viên, cơ sở giáo dục, đội ngũ quản lý giáo dục cũng như sự đón nhận của phụ huynh và toàn xã hội nữa. Cho nên, việc chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 gặp nhiều thách thức là tất nhiên. Việc cần làm là phải hỗ trợ giáo viên, cơ sở giáo dục đào tạo và đội ngũ quản lý giáo dục vượt qua các thách thức đó.

Về vấn đề thiếu giáo viên, điều đáng mừng là trong cuối năm 2023 vừa qua, chúng tôi đã phối hợp với Bộ Nội vụ đưa ra kiến nghị với Bộ Chính trị, Ban Bí thư để cấp thêm biên chế với 30.000 chỉ tiêu để các tỉnh, thành phố có thể tuyển thêm giáo viên. Nhiều địa phương đã có sự hỗ trợ về chính sách cho đời sống giáo viên, cơ sở vật chất cho trường học. Điều này phần nào làm giảm bớt căng thẳng cũng như khó khăn trong quá trình triển khai.

Chúng tôi đồng thời áp dụng các biện pháp để hỗ trợ cho giáo viên, kiến nghị để có cơ chế ưu đãi, phụ cấp cho giáo viên mầm non, tiểu học và điều này đã được Bộ Nội vụ chia sẻ, chờ thêm ý kiến từ các Bộ ngành khác và hi vọng sớm có kết quả. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có điều chỉnh trong chính sách tuyển dụng, nâng ngạch, đãi ngộ để phát triển đội ngũ nhà giáo; động viên đội ngũ nhà giáo tích cực tham gia đổi mới, khắc phục khó khăn, vượt qua giới hạn của chính mình để làm tốt công việc đổi mới.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Đổi mới giáo dục càng sâu rộng càng nhiều thách thức, cần kiên trì! - Ảnh 2.

Thách thức có nhiều nhưng chúng tôi có thể nhận thấy, xã hội, phụ huynh học sinh đang đồng hành với ngành Giáo dục để cùng tháo gỡ khó khăn.

Từ phía Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2024 này sẽ có những cải cách về mặt hành chính như thế nào để giảm tải áp lực không cần thiết với các giáo viên để tập trung tốt hơn cho việc dạy và học, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Đối với giáo viên, công việc quan trọng nhất vẫn là chuyên môn, tuy nhiên vẫn phải tham gia hoạt động của nhà trường, Đoàn, hội, Đội cũng như các công việc xã hội khác. Tuy nhiên, chúng tôi cân nhắc chính sách để làm thế nào để giáo viên dồn nhiều thời gian nhất cho công việc chuyên môn, xây dựng văn hóa học đường, ứng xử trong trường học để giáo viên hào hứng, phát huy sáng tạo trong lĩnh vực giảng dạy và hỗ trợ học sinh.

Ngoài ra, ngành Giáo dục tích cực triển khai chuyển đổi số trong xây dựng trường học thông minh, công nghệ số, trí tuệ nhân tạo trong quản lý, dạy và học. Trong suốt 2 năm qua, ở kỳ thi tốt nghiệp THPT, chúng tôi áp dụng cơ sở dữ liệu của ngành để kết nối với cơ sở dữ liệu dân cư để việc đăng ký thi bằng hình thức trực tuyến, đăng ký tuyển sinh đại học đều đã được triển khai thuận lợi để giảm chi phí cho người học cũng như tạo ra sự chính xác, nhanh chóng, công bằng.

Chính việc chuyển đổi số sẽ giảm bớt thao tác của nhân viên trường học, cán bộ quản lý cũng như giáo viên qua đó nhà giáo có thể có nhiều thời gian hơn tham gia vào công tác chuyên môn.

Về vấn đề bạo lực học đường, tính bình quân chỉ có 50 trường mới có 1 vụ việc xảy ra nhưng đã xảy ra những vụ vi phạm đạo đức nghiêm trọng của học sinh với giáo viên. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhìn nhận về vấn đề này ra sao và có những giải pháp quyết liệt thế nào để ngăn chặn bạo lực học đường?

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Đối với trường học, chúng tôi thực hiện đổi mới tập trung vào việc dạy, học, thi, kiểm tra, đánh giá. Nhưng bên cạnh đó, chúng tôi cũng tập trung đào tạo, phát triển con người một cách toàn diện, đức, trí, thể, mỹ, và đặc biệt là phương diện đạo đức, nhân cách.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Đổi mới giáo dục càng sâu rộng càng nhiều thách thức, cần kiên trì! - Ảnh 3.

Trong quá trình này, yếu tố dân chủ trong học đường, sáng tạo, hào hứng của học sinh và giáo viên sẽ được gia tăng. Nhà trường có sự phấn khởi, tin vào sinh khí mới trong giáo dục. Dẫu vậy, trong môi trường học đường, vẫn còn nhiều vấn đề cần sự quan tâm của ngành Giáo dục, địa phương, đoàn thể và cả phụ huynh học sinh, đó là câu chuyện an toàn trường học: chống bạo lực học đường; phòng chống ảnh hưởng của ma tuý, tệ nạn; phòng chống đuối nước; tai nạn thương tích…

Chúng tôi thực hiện nhiều giải pháp trong đó tăng cường giáo dục đạo đức, nhân cách cho học sinh, nâng cao kĩ năng sống, khả năng giải quyết vấn đề cho học sinh; tăng vị trí việc làm trong trường học như cán bộ tư vấn tâm lý, hỗ trợ học sinh, quản lý học sinh… để giáo viên và học sinh được hỗ trợ nhiều nhất. Qua đó, hạn chế tối đa vấn đề bạo lực học đường thông qua sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường, xã hội. Vấn đề bạo lực học đường để giảm thiểu tối đa không thể phó thác trách nhiệm hoàn toàn cho nhà trường dù đây cũng là một phần quan trọng của ngành Giáo dục. Tuy nhiên, vai trò của phụ huynh học sinh, gia đình, đoàn thể và xã hội là vô cùng quan trọng.

Bộ trưởng có nhắc tới vấn đề dân chủ trong trường học, từ năm 2024, việc chọn sách giáo khoa sẽ được giao cho các nhà trường. Bộ trưởng có những chia sẻ gì với các thầy cô, nhà trường để phát huy tính dân chủ trong việc thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông 2018?

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Việc chọn sách giáo khoa là vấn đề mới, chưa từng có trong tiền lệ nên cần có sự điều chỉnh từng bước để hợp lý hơn. Vừa qua, ngành Giáo dục cũng đã điều chỉnh thông tư liên quan đến việc chọn sách giáo khoa. Theo đó, Bộ giao quyền quyết định nhiều hơn cho cơ sở giáo dục, thầy cô giáo trực tiếp giảng dạy.

Tôi mong tất cả nhà giáo thực hiện trách nhiệm của mình để đảm bảo việc lựa chọn sách tốt nhất cho các em học sinh và trường học của mình.

Chương trình mới đã đi qua được 4 năm, trong đợt tổng kết giữa kỳ, khẩu hiệu ‘kiên trì đổi mới’ tiếp tục được nêu ra, tuy nhiên có một số ý kiến được cho là ‘bàn lùi’ muốn quay trở về chương trình cũ. Vậy Bộ trưởng đánh giá thế nào về điều này?

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Toàn bộ dư luận xã hội và người dân đa phần ủng hộ nhưng cũng có một số ý kiến tỏ ra lo lắng trong sự nghiệp đổi mới này, ngành Giáo dục sẽ làm như thế nào, kết quả có tốt hay không. Tôi nghĩ không hẳn là ‘bàn lùi’ nhưng sự lo lắng hay ý kiến hoài nghi thì tôi thừa nhận là có. Tôi cho rằng, Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo là bản cương lĩnh trong công cuộc đổi mới.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Đổi mới giáo dục càng sâu rộng càng nhiều thách thức, cần kiên trì! - Ảnh 4.

Qua công cuộc đổi mới suốt 10 năm qua, chúng ta có thể thấy cương lĩnh, chiến lược trong phát triển giáo dục là đúng hướng và phù hợp với xu hướng của thế giới. Quá trình triển khai 10 năm qua đã thể hiện sự đúng đắn và hiệu quả, trong đó, việc triển khai đổi mới giáo dục phổ thông theo chương trình năm 2018 có nhiều điểm mới: Một chương trình – nhiều SGK; vai trò chủ động của giáo viên, cơ sở giáo dục trong việc quyết định kế hoạch nhà trường; vai trò của giáo viên và người học cần tích cực, chủ động hơn…

Nhiều điểm mới đi kèm với nhiều thách thức và cần sự đồng thuận của xã hôi. Công tác truyền thông đã được triển khai tích cực nhưng thói quen cũ là những rào cản. Một bộ phận vẫn chưa thấu hiểu hết được những gì Bộ Giáo dục và Đào tạo đang thực hiện. Do đó, chúng tôi ngoài việc làm tốt chuyên môn cũng cần phải có giải thích để mọi người hiểu hơn.

Nhân dịp Tết Giáp Thìn 2024, tôi xin gửi lời chúc mừng năm mới và lời chúc sức khỏe tới quý độc giả của VTV Times và mong độc giả tiếp tục đồng hành, theo dõi các vấn đề giáo dục để giúp ngành Giáo dục hoàn thiện hơn trong công cuộc đổi mới đang thực hiện.

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước