Bộ GD-ĐT vừa trình Chính phủ cho phép xây dựng Nghị định quy định chế độ khen thưởng đối với học sinh, sinh viên đoạt giải trong các kỳ thi học sinh, sinh viên giỏi quốc gia, quốc tế, kỹ năng nghề quốc gia, quốc tế.
Theo Bộ GD-ĐT, Quyết định số 158 chỉ quy định khen thưởng đối với các học sinh, sinh viên đoạt giải trong các kỳ thi học sinh, sinh viên giỏi, Olympic quốc gia, Olympic quốc tế, kỹ năng nghề quốc gia, kỹ năng nghề quốc tế.
Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, ngành Giáo dục đang đứng trước những yêu cầu mới của sự phát triển, giáo dục, đào tạo cần gắn với thực tiễn và hội nhập, do vậy, cùng với việc đào tạo học sinh, sinh viên giỏi về kiến thức cần coi trọng hơn nữa đào tạo lĩnh vực giáo dục ứng dụng, thực hành cho nên cần bổ sung đối tượng khen thưởng học sinh, sinh viên có thành tích cao trong nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật, các thành tựu trong các lĩnh vực chuyên ngành khác trong phạm vi quốc gia và quốc tế.
Việc mở rộng đối tượng khen thưởng nhằm đáp ứng yêu cầu hiện nay của giáo dục, đảm bảo học sinh, sinh viên đạt được thành tích cao trong các môn học hay nghiên cứu khoa học đều được khen thưởng, khuyến khích học sinh, sinh viên tích cực học tập và nghiên cứu khoa học (trong 2 năm vừa qua học sinh Việt Nam đã tham gia thi và đoạt giải các môn Thiên văn học và khoa học kỹ thuật quốc tế, việc khen thưởng học sinh đoạt giải những môn này hiện nay chưa có trong quy định của Quyết định số 158).
Các giải pháp được Bộ GD-ĐT đề xuất giải quyết là mở rộng đối tượng khen thưởng học sinh, sinh viên đoạt giải tại Cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc gia, quốc tế; đưa ra mức thưởng cho các em học sinh đoạt giải...
Bộ GD-ĐT cũng đưa ra điều chỉnh tăng hình thức khen thưởng. Theo đó, học sinh, sinh viên đoạt Huy chương Vàng Olympic quốc tế được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.
Học sinh, sinh viên đoạt các thành tích sau đây đều được tặng Bằng khen Bộ trưởng: Huy chương Vàng, Bạc, Đồng, giải khuyến khích tại các kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực quốc tế, giải nhất, nhì, ba trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia.
Theo lý giải của Bộ GD-ĐT, việc khen thưởng cùng 1 hình thức (Bằng khen Bộ trưởng) cho các học sinh, sinh viên đoạt giải thuộc phạm vi quốc tế, khu vực quốc tế và phạm vi quốc gia chưa đảm bảo nguyên tắc của Luật thi đua, khen thưởng thành tích đạt được trong hoàn cảnh khó khăn và phạm vi ảnh hưởng lớn được khen thưởng mức cao hơn.
Trên thực tế, để đạt được thành tích cao trong các cuộc thi cấp quốc gia, quốc tế, đòi hỏi học sinh, sinh viên phải có quá trình tích lũy kiến thức lâu dài trong cả quá trình học phổ thông, đại học, sự nỗ lực phấn đấu vươn lên không ngừng để hoàn thiện tri thức mới có thể tham gia trên đấu trường quốc tế, có những môn như Olympic Sinh học phải sau 16 năm tham gia (từ năm 2000 đến năm 2016) Việt Nam mới có được học sinh đoạt Huy chương Vàng. Đặc biệt, trong 5 năm gần đây đã có nhiều học sinh xuất sắc 2 lần đoạt Huy chương Vàng tại các cuộc thi quốc tế và khu vực.
Nhiều học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn hoặc sinh sống tại các tỉnh miền núi đoạt giải quốc tế như em Ngô Phi Long (học sinh tỉnh Sơn La) đoạt 2 Huy chương Vàng quốc tế môn Vật lí, em Nguyễn Thế Quỳnh (học sinh tỉnh Quảng Bình) đoạt 02 Huy chương Vàng quốc tế môn Vật lí, em Lê Nhật Hoàng (học sinh tỉnh Bình Định) đoạt Huy chương Bạc quốc tế môn Toán, các em là những tấm gương tiêu biểu xuất sắc trong học tập và rèn luyện, tạo sự lan tỏa trong các thế hệ học sinh về tinh thần vươn lên trong học tập và trong cuộc sống, hình thức khen thưởng hiện nay chưa tương xứng với thành tích đạt được của các em.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!