Bộ Giáo dục và Đào tạo xin ý kiến đối với việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà giáo

Khánh Nguyễn-Thứ hai, ngày 13/01/2025 06:50 GMT+7

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại cuộc họp

VTV.vn - Chiều 12/1, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức phiên họp xin ý kiến đối với việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà giáo.

Báo cáo việc rà soát, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đối với dự thảo Luật Nhà giáo sau các phiên họp trong tháng 12/2024, đại diện thường trực Ban soạn thảo, ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục cho biết:

Ngày 6/12/2024, Bộ GDĐT có báo cáo gửi Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà giáo. Ngày 12/12/2024, Tổng Thư ký Quốc hội có báo cáo tổng hợp ý kiến các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ và tại hội trường về dự án Luật Nhà giáo.

Sau các phiên làm việc giữa cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo, hiện nay, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà giáo và tiếp tục hoàn thiện sau khi lãnh đạo hai cơ quan thống nhất một số nội dung còn ý kiến khác nhau trong quá trình rà soát, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà giáo.

Bộ GD&ĐT xin ý kiến đối với việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà giáo  - Ảnh 1.

Quang cảnh cuộc họp

Căn cứ hồ sơ dự án Luật Nhà giáo đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 và kết quả các phiên họp rà soát, Bộ GDĐT đang tiếp tục hoàn thiện dự thảo các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Nhà giáo. Trong đó, số lượng Nghị định, Thông tư hướng dẫn dự kiến 3 gồm Nghị định và 15 Thông tư

Tại phiên họp, ông Vũ Minh Đức cũng báo cáo kết quả đề xuất chỉnh lý dự thảo Luật Nhà giáo đến ngày 10/1, căn cứ kết quả làm việc qua các phiên và rà soát, thống nhất bước đầu giữa cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra. Đồng thời, báo cáo cụ thể một số vấn đề cơ quan thẩm tra đề xuất tiếp tục rà soát, liên quan đến các thuật ngữ và một số chính sách cụ thể.

Theo kế hoạch, trong tháng 1/2025 tập trung hoàn thiện Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà giáo cùng các hồ sơ kèm theo phục vụ phiên họp tháng 2/2025 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tháng 2-3/2025 tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tiếp tục rà soát, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà giáo và các hồ sơ kèm theo để hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Nhà giáo. Trong trường hợp cần thiết, Ủy ban Văn hóa Giáo dục có văn bản gửi Chính phủ đề nghị cho ý kiến, Bộ GDĐT chủ trì chuẩn bị hồ sơ trình Chính phủ để xin ý kiến các Thành viên Chính phủ.

Tháng 4/2025 hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9.

Tại phiên họp, các ý kiến tập trung thảo luận, cho ý kiến đối với dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV và dự kiến chỉnh lý dự thảo Luật Nhà giáo.

Một số vấn đề cụ thể được tập trung trao đổi liên quan đến đối tượng áp dụng, điều động nhà giáo, tuổi nghỉ hưu cao hơn đối với nhà giáo, quyền của nhà giáo, tuyển dụng, sử dụng nhà giáo, bình đẳng giữa hệ thống giáo dục công lập và dân lập, tư thục, nhà giáo tham gia điều hành doanh nghiệp do cơ sở giáo dục thành lập từ kết quả nghiên cứu khoa học theo quy định…

Bộ GD&ĐT xin ý kiến đối với việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà giáo  - Ảnh 2.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh phát biểu tại cuộc họp

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh nhận định, phiên họp đã đi được đến các thống nhất quan trọng về một số vấn đề lớn, vấn đề thuộc về nguyên tắc. Ông Nguyễn Đắc Vinh bày tỏ cảm ơn sự phối hợp chặt chẽ của Bộ GDĐT, góp phần giúp Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đạt được nhiều kết quả tích cực trong năm vừa qua.

Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ: Đến nay, việc xây dựng Luật nhà giáo, từ tư duy chính sách, cách thể hiện, thuyết phục xã hội… đều đã đi được một phần quan trọng. Đạt được điều này có sự hỗ trợ, chung tay của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.

Cũng nhận định phiên họp đã thống nhất được một số nội dung quan trọng, Bộ trưởng đồng thời thông tin về các nhiệm vụ lập pháp của Bộ GDĐT trong năm 2025 như: rà soát, đánh giá Luật Giáo dục; xây dựng Luật Học tập suốt đời; tiến hành sửa đổi Luật Giáo dục nghề nghiệp sau khi nhận mảng giáo dục nghề nghiệp… Từ đó, Bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phối hợp giữa Bộ GDĐT và Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội trong thời gian tới.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước