Nội dung đầu tiên, quan trọng nhất mà Hội nghị sẽ tập trung thảo luận là đổi mới tuyển sinh. Trong đó, vấn đề đặt ra là làm thế nào để đảm bảo cao nhất tính nghiêm túc, khách quan, phản ánh đúng chất lượng khi tổ chức 1 kỳ thi quốc gia duy nhất. Kết quả kỳ thi này vừa để đánh giá kết quả học tập ở bậc phổ thông, vừa làm cơ sở xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ.
Bộ GDĐT sẽ lấy ý kiến của các trường về việc lựa chọn phương án tổ chức kỳ thi quốc gia trong 3 phương án Bộ đưa ra trước đó, gồm: Thi môn thi theo kiểu truyền thống, Thi theo bài, Kết hợp môn thi và bài thi. Ngoài ra còn các vấn đề liên quan đến cách tổ chức kỳ thi; công tác coi thi, chấm thi với sự tham gia của giáo viên các trường ĐH, CĐ.
Đối với phương thức tuyển sinh ĐH, CĐ, các trường sẽ thảo luận về việc không áp dụng các khối thi như các kỳ 3 chung trước đây. Các trường CĐ, ĐH sẽ thông báo trước những môn thi, bài thi sẽ được sử dụng kết quả để xét tuyển vào từng ngành khác nhau nhằm giúp thí sinh biết và lựa chọn phù hợp.
Một thay đổi nữa Bộ đưa ra để lấy ý kiến của Hiệu trưởng các trường là quy định đăng ký xét tuyển vào ngành, trường sau khi đã có kết quả của kỳ thi quốc gia. Từ kết quả này, thí sinh có thể sử dụng để xét tuyển cả CĐ, ĐH.
Các trường cũng sẽ thảo luận về các vấn đề liên quan xác định chỉ tiêu tuyển sinh ĐH, CĐ. Đây là một trong những yếu tố quan trọng để đảm bảo chất lượng đầu vào, tránh tình trạng xin quá nhiều chỉ tiêu tuyển sinh nhưng không thể tuyển đủ đang diễn ra tại một số trường ngoài công lập. Bên cạnh đó, cần có mối liên hệ giữa chỉ tiêu tuyển sinh với nhu cầu nguồn nhân lực của thị trường lao động.
Một chủ đề khác cũng sẽ được thảo luận kỹ tại Hội nghị là công tác tổ chức và quản lý đào tạo giáo dục ĐH, gồm nội dung về công bố chuẩn đầu ra; mở ngành trình độ đại học, chuyên ngành thạc sĩ, tiến sĩ; đào tạo theo hệ tín chỉ liên thông…
Đại diện các trường ĐH, CĐ cũng sẽ thảo luận về những giải pháp để phát triển đội ngũ giảng viên; tổ chức và quản lý nhà trường; thành lập Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam và cuối cùng là nhiệm vụ đổi mới giáo dục ĐH.
Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng một trong những vấn đề cần phải giải đáp được cho người dân là “con tôi, cháu tôi học ở trường nào thì có việc làm, có thu nhập tốt. Học ở trường nào ra thì có cơ hội học tiếp, học ở các nước tiên tiến. Cái này đòi hỏi chúng ta cần phải xác định rõ hệ thống giáo dục, phân tầng, xếp hạng thế nào”.
“Thực tế cho thấy chúng ta đầu tư rất nhiều cho giáo dục ĐH, CĐ nhưng vẫn luôn thiếu do nhu cầu học tập của xã hội rất lớn. Do đó, cần phải làm cho những nhà đầu tư tiềm năng yên tâm đầu tư vào giáo dục ĐH. Đồng thời, các trường ĐH, CĐ công cần phải sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư từ ngân sách trên cơ sở cho phép tự chủ, khuyến khích tự chủ tiến tới các trường đều phải tự chủ. Từ đó, đảm bảo công bằng để các trường công quản lý hiệu quả như các trường ĐH tư. Ngược lại, các trường tư quản lý tốt rồi thì cũng đáp ứng nhu cầu đào tạo nhân lực có chất lượng không khác gì các trường công”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Về vấn đề đổi mới tuyển sinh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng quan trọng nhất là phải đảm bảo tổ chức một kỳ thi rõ ràng (thi cái gì, thi như thế nào); công bằng, bớt nhiêu khê nhất; cuối cùng là tổ chức thi thế nào để tạo động lực học tập cho học sinh.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị các đại biểu cần thảo luận kỹ những vấn đề lớn theo gợi ý của Bộ GDĐT để sau Hội nghị này, ngoài việc chấn chỉnh trong hệ thống giáo dục ĐH còn giải đáp được những thắc mắc chính đáng của người dân.