Bộ GD&ĐT nói về các tổ hợp truyền thống trong tuyển sinh của các trường Đại học

T.K-Thứ ba, ngày 16/06/2020 13:39 GMT+7

Ảnh minh họa

VTV.vn - Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Thu Thủy cho hay, năm 2018 và 2019, thống kê cho thấy có trên 85,5% thí sinh trúng tuyển ở 5 tổ hợp truyền thống.

Nói về các tổ hợp truyền thống trong tuyển sinh đại học, TS Nguyễn Thu Thủy - Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho hay: "Năm 2020, chưa có thống kê đầy đủ nên chưa biết chính xác tỷ lệ các tổ hợp truyền thống chiếm bao nhiêu phần trăm trong phương án tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ.

Năm 2018 và năm 2019 các trường sử dụng trên 150 tổ hợp để xét tuyển. Trong đó, có 5 tổ hợp xét tuyển truyền thống (A00, D01, A01, B00, C00) luôn chiếm trên 90% nguyện vọng đăng ký xét tuyển. Các tổ hợp truyền thống với các môn thi chủ yếu và có tính liên quan đến nhau vẫn là điều kiện tuyển sinh của phần lớn các ngành, các trường.

Hơn 140 tổ hợp khác có thí sinh đăng ký nhưng chỉ chiếm gần 10% số nguyện vọng ĐKXT. Nhiều tổ hợp do các trường đưa ra không có, hoặc có rất ít thí sinh đăng ký xét tuyển. Nếu có đăng ký xét tuyển bằng các tổ hợp này thì thí sinh cũng để ở các nguyện vọng có mức ưu tiên rất thấp".

"Các tổ hợp ít thông dụng hầu như không được các trường tốt và rất ít thí sinh tốt lựa chọn nên hầu như không phát huy tác dụng (trừ các ngành liên quan đến năng khiếu). Năm 2018 và 2019 có trên 85,5% thí sinh trúng tuyển ở 5 tổ hợp truyền thống đã nêu", TS Nguyễn Thu Thủy cho biết thêm.

Bộ GD&ĐT nói về các tổ hợp truyền thống trong tuyển sinh của các trường Đại học - Ảnh 1.

TS Nguyễn Thu Thủy - Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT)

Theo quy định tại Điều 8 Quy chế tuyển sinh hiện hành thì nguyên tắc lựa chọn tổ hợp các bài thi/môn thi để xét tuyển được quy định như sau: Sử dụng kết quả của 3 bài thi/môn thi, trong đó có ít nhất một trong hai bài thi Toán, Ngữ văn để xét tuyển. Các bài thi/môn thi đưa vào tổ hợp để xét tuyển phải gắn với yêu cầu của ngành đào tạo; không sử dụng nhiều hơn 4 tổ hợp bài thi/môn thi để xét tuyển cho một ngành (những tổ hợp chỉ thay đổi các ngoại ngữ khác nhau được coi là một tổ hợp).

Hiệu trưởng cơ sở đào tạo chịu trách nhiệm giải trình về quy trình, cơ sở xác định tổ hợp tuyển sinh. Đối với các trường, ngành có thi năng khiếu, sử dụng kết quả của 3 bài thi/môn thi, trong đó, có ít nhất một bài thi/môn thi Toán hoặc Ngữ văn kết hợp với kết quả thi năng khiếu để xét tuyển.

Với nguyên tắc lựa chọn tổ hợp trên, nhiều trường đã kết hợp để tạo ra các tổ hợp, đặc biệt là với các tổ hợp có môn năng khiếu.

"Như đã nói ở trên, việc các trường đưa ra nhiều tổ hợp để xét tuyển với mong muốn làm tăng cơ hội trúng tuyển cho thí sinh, tuy nhiên thực tế lại làm phức tạp cho công tác tổ chức xét tuyển, làm nhiễu thông tin trong việc thí sinh lựa chọn tổ hợp đăng ký xét tuyển", TS Nguyễn Thu Thủy nêu quan điểm.

INFOGRAPHIC: Các mốc thời gian cực dễ nhớ trong đợt tuyển sinh đại học năm 2020 INFOGRAPHIC: Các mốc thời gian cực dễ nhớ trong đợt tuyển sinh đại học năm 2020

VTV.vn - Thí sinh tham gia kỳ tuyển sinh đại học năm 2020 cần lưu ý các mốc thời gian sau để tránh những thiếu sót không đáng có.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước