Ảnh minh họa. (Nguồn: VOV)
Việc Bộ GD-ĐT sẽ thí điểm bỏ công chức, viên chức giáo viên đang thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội và sẽ tác động lớn hàng triệu nhà giáo đang công tác ở khắp mọi miền đất nước.
Mục đích của việc làm trên là để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, giảng viên ở các trường học. Tuy nhiên, việc thực hiện ở từng cấp học nên như thế nào để đạt hiệu quả cao mới là điều quan trọng nhất.
Đối với cấp đại học (ĐH), việc bỏ biên chế giáo dục sẽ có một số tác động đến giảng viên và cơ chế hoạt động của từng loại hình trường.
Không nên bỏ công chức đối với hiệu trưởng trường công lập
Là một trường ĐH tốp đầu, có uy tín, thương hiệu trong đào tạo, ngoài những giảng viên cơ hữu nằm trong biên chế được trả lương dưới dạng ký hợp đồng thì hiện nay ĐH Thương mại đang áp dụng việc tuyển dụng giảng viên theo cách thức là cho họ trải qua quá trình thử việc.
Nếu giảng viên giảng dạy tốt thì nhà trường có thể ký hợp đồng lao động dài hạn. Ngoài tuyển dụng giảng viên trong nước, trường cũng đang ký hợp đồng với 50 giảng viên nước ngoài dưới dạng thỉnh giảng được hưởng thu nhập theo công việc thực hiện.
Nhà trường đang tiến tới áp dụng với giảng viên sau 5 năm tuyển dụng dài hạn mà không đạt chuẩn ngoại ngữ hoặc sau 10 năm mà giảng viên không đạt được trình độ Tiến sĩ thì trường có thể sắp xếp sang làm công việc khác hoặc có thể dừng hợp đồng lao động. Việc làm trên cũng là nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên.
Hiện nay, ở ĐH Thương mại, Hiệu trưởng là công chức vì do Bộ trưởng GD-ĐT bổ nhiệm; Hiệu phó do Hội đồng trường bình bầu; còn lại các trưởng khoa, giáo viên đều là viên chức được trả lương theo chế độ hợp đồng.
GS.TS Đinh Văn Sơn, Hiệu trưởng ĐH Thương mại nêu quan điểm, việc bỏ công chức, viên chức giáo viên chỉ được áp dụng đối với các doanh nghiệp. Còn nếu áp dụng ở cơ sở giáo dục công lập thì theo Luật Giáo dục, việc đào tạo không phải là lĩnh vực kinh doanh. Vì vậy, việc bỏ biên chế giáo dục cần được nghiên cứu một cách thấu đáo, kỹ lưỡng.
Nếu trường ĐH hoạt động tự chủ nhưng vẫn là trường công lập thì không nên bỏ công chức. Hiệu trưởng nhà trường vẫn phải là công chức vì là người lãnh đạo thay mặt cơ quan quản lý nhà nước điều hành trường học.
Nếu cho rằng, bỏ công chức, viên chức giáo viên thì quyền hành thuộc về hiệu trưởng quá lớn là không đúng bởi trên hiệu trưởng còn có cả hệ thống bộ máy Nhà nước kiểm soát.
Theo ông Đinh Văn Sơn, chức vụ hiệu trưởng không nên cố định là 5 năm/lần mà nên bỏ phiếu tín nhiệm định kỳ hàng năm một lần để nhà trường đánh giá xem trong 1 năm, hiệu trưởng đó có hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý hay không.
Việc bỏ biên chế giáo dục nên áp dụng thí điểm ở các cấp học nhưng theo sự chọn lựa từng trường đại diện ở các cấp làm trước. Nếu thấy có hiệu quả thì mới nên nhân rộng.
Trường ĐH vùng, miền khó "giữ chân" giảng viên giỏi
"Nếu các trường ĐH top trên có uy tín, chất lượng đào tạo thí điểm bỏ công chức, viên chức giáo viên có thể giúp họ tuyển dụng được những giảng viên giỏi vào giảng dạy.
Tuy nhiên, nếu áp dụng việc này ở trường ĐH công lập (đặc biệt là những trường ĐH vùng, miền) có điều kiện khó khăn về kinh tế thì ngành Giáo dục cần tính toán lộ trình một cách phù hợp bởi vì như hiện nay, việc giữ chân cán bộ giảng dạy có trình độ cao đã rất khó. Nếu bây giờ áp dụng việc thí điểm bỏ công chức, viên chức thì có thể nhiều người sẵn sàng chuyển sang những trường top trên hay làm việc" -ông Đỗ Tùng, Phó Hiệu trưởng ĐH Hùng Vương, tỉnh Phú Thọ nêu ý kiến.
Trái ngược với những băn khoăn của trường ĐH tốp trên và ĐH vùng miền thì ĐH ngoài công lập lại có quan điểm khác.
Là trường ĐH ngoài công lập nên ĐH Dân lập Hải Phòng không phải tuyển dụng công chức, viên chức giáo viên nhưng nhà trường luôn đặt mục tiêu tuyển chọn những người có chuyên môn cao, tâm huyết với nghề. Nhà trường cũng đòi hỏi giảng viên phải không ngừng nâng cao trình độ như đưa ra các quy định là các giảng viên tốt nghiệp sau một thời gian giảng dạy phải học thêm trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư.
GS.TS Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng ĐH Dân lập Hải Phòng cho biết, một trường ĐH có uy tín là phải có khoảng 70-80% giảng viên cơ hữu để ổn định giảng dạy, phát triển đội ngũ kế cận và công tác nghiên cứu khoa học. Còn lại là 20-30% giảng viên thỉnh giảng huy động những người giỏi từ khắp nơi đến giảng dạy.
Việc tuyển dụng giảng viên theo chế độ hợp đồng sẽ luôn khuyến khích họ lao động, sáng tạo và không ngừng học hỏi để giảng dạy tốt hơn.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!