Bộ Công an điều chỉnh phương án tuyển sinh văn bằng 2

Khánh Nguyễn-Thứ ba, ngày 23/04/2024 06:02 GMT+7

Ảnh minh hoạ.

VTV.vn - Năm 2024, theo kế hoạch tuyển sinh của Bộ Công an, các thí sinh dự thi văn bằng 2 sẽ dự thi một phần đánh giá bắt buộc và một phần thi tự chọn.

So với năm 2023, kỳ thi tuyển sinh văn bằng 2 đối với công dân đã tốt nghiệp trình độ đại học năm 2024 (ngoài ngành công an) có sự thay đổi nhất định về phần thi.

Theo đó, các thí sinh dự thi văn bằng 2 sẽ dự thi một phần hiểu biết chính trị - xã hội và một phần thi môn tự chọn thay vì thi 2 môn bắt buộc như trước kia.

Mới đây, Học viện Cảnh sát nhân dân đã có thông báo bổ sung một số thông tin tuyển sinh đại học chính quy tuyển mới đối với công dân đã có bằng tốt nghiệp trình độ đại học trở lên, năm học 2024-2025 như sau:

Phần thi đánh giá của Bộ Công an đối với thí sinh dự thi văn bằng 2

Đối với bài thi đánh giá của Bộ Công an, cấu trúc bài thi gồm 2 phần:

+ Phần Tự luận 1: Nghị luận về vấn đề chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội.

+ Phần Tự luận 2: Thí sinh lựa chọn một trong các môn để dự thi gồm: Toán cao cấp; Kinh tế học vĩ mô; Triết học; Lý luận Nhà nước và pháp luật.

- Mã bài thi: Thí sinh chọn 1 trong 4 mã bài thi để dự thi gồm:

+ CA1: Tổ hợp gồm Tự luận 1 và Toán cao cấp;

+ CA2: Tổ hợp gồm Tự luận 1 và Kinh tế học vĩ mô;

+ CA3: Tổ hợp gồm Tự luận 1 và Triết học;

+ CA4: Tổ hợp gồm Tự luận 1 và Lý luận Nhà nước và pháp luật.

Điều kiện chứng chỉ ngoại ngữ theo phương thức 1 đối với thí sinh thi văn bằng 2

Chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế có thời hạn không quá 2 năm tính đến ngày 1/4 kể từ ngày được cấp chứng chỉ đối với thí sinh dự tuyển tháng 6/2024 hoặc tính đến ngày 1/7 đối với thí sinh dự tuyển đợt tháng 11/2024 (nếu có).

Điểm xét tuyển và ngưỡng đầu vào theo phương thức 2 đối với thí sinh văn bằng 2

- Điểm xét tuyển: là tổng điểm bài thi đánh giá của Bộ Công an được quy về thang điểm 30 (làm tròn đến 2 chữ số thập phân) cộng với điểm ưu tiên khu vực, ưu tiên đối tượng theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo, điểm thưởng theo quy định của Bộ Công an.

+ Công thức tính điểm như sau: ĐXT = BTBCA*3/10 + ĐC, trong đó:

* ĐXT: Điểm xét tuyển

* BTBCA: Điểm bài thi đánh giá của Bộ Công an

* ĐC: Điểm cộng

+ Điểm cộng của thí sinh được xác định là tổng điểm ưu tiên khu vực, điểm ưu tiên đối tượng và điểm thưởng quy định của Bộ Công an, theo công thức: ĐC = ĐT + KV + Đth.

Trong đó ĐC là điểm cộng, ĐT là điểm ưu tiên đối tượng, KV là điểm ưu tiên khu vực, Đth là điểm thưởng. Trường hợp thí sinh đạt điểm bài thi đánh giá của Bộ Công an quy về thang điểm 30 làm tròn đến 2 chữ số thập phân từ 22,5 điểm trở lên, thì điểm cộng của thí sinh được xác định như sau:

ĐC = [(30 - tổng điểm đạt được)/7,5] x (ĐT + KV + Đth)

- Ngưỡng đầu vào: Điểm bài thi đánh giá của Bộ Công an đạt từ 50 điểm trở lên theo thang điểm 100 và không có phần thi nào bị điểm liệt theo quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Giai đoạn từ năm 2026 trở đi

Tổ chức thi trắc nghiệm kết hợp thi tự luận trong thời gian 150 phút, đề thi gồm 2 phần: phần trắc nghiệm, chiếm 40% tổng điểm bài thi theo thang điểm 100, tập trung đánh giá về: hiểu biết về chính trị, văn hóa, kinh tế, xã hội, lịch sử lực lượng Công an Nhân dân: đánh giá khả năng nắm bắt, tái hiện thông tin đã được tiếp nhận trong quá trình học tập, thu thập từ cuộc sống, tra cứu, tìm hiểu của thí sinh về chính trị, văn hóa, kinh tế, xã hội và lịch sử lực lượng Công an Nhân dân (thông tin công khai của lực lượng Công an Nhân dân trên các phương tiện thông tin đại chúng).

Năng lực tư duy: đánh giá tư duy logic, khả năng phân tích, suy luận, phán đoán, phân loại, so sánh trên các dữ liệu có sẵn.

Năng lực tiếng Anh: đánh giá khả năng đọc hiểu ngôn ngữ Anh của thí sinh đáp ứng yêu cầu tốt nghiệp trình độ đại học văn bằng 1 của thí sinh.

Phần tự luận, chiếm 60% tổng điểm bài thi theo thang điểm 100: thí sinh được lựa chọn môn thi phù hợp để đăng ký dự tuyển theo ngành/trường đăng ký dự tuyển, cụ thể:

Đăng ký dự tuyển vào Học viện An ninh Nhân dân (ngành Nghiệp vụ An ninh), Học viện Cảnh sát Nhân dân, Trường Đại học An ninh Nhân dân, Trường Đại học Cảnh sát Nhân dân, thí sinh được lựa chọn 1 trong 4 môn để dự thi: Toán cao cấp; Kinh tế học vĩ mô; Triết học; Lý luận nhà nước và pháp luật.

Đăng ký dự tuyển vào Học viện An ninh Nhân dân (ngành An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao/An toàn thông tin), Trường Đại học Phòng cháy Chữa cháy: thí sinh dự thi môn Toán cao cấp.

Đăng ký vào Trường Đại học Kỹ thuật-Hậu cần Công an Nhân dân: thí sinh được lựa chọn 1 trong 2 môn để dự thi gồm Toán cao cấp; Kinh tế học vĩ mô. Đề thi được thiết kế để đánh giá khả năng nhận biết, tổng hợp, phân tích, vận dụng của thí sinh.

Như vậy so với năm 2023, tuyển sinh văn bằng 2 của các cơ sở giáo dục đại học trực thuộc Bộ Công an có điều chỉnh đáng kể.

Năm 2023, thí sinh xét tuyển văn bằng 2 (trừ những thí sinh trong điều kiện tuyển thẳng) phải thi 2 môn bắt buộc, thời lượng 180 phút/môn thi.

Năm trước, thí sinh muốn xét tuyển văn bằng 2 vào Học viện Cảnh sát Nhân dân thi 2 môn bắt buộc là Triết học Mác - Lênin; Lý luận Nhà nước và pháp luật. Mỗi môn thi trong thời gian 180 phút. Năm nay, thí sinh sẽ thi trắc nghiệm trong thời gian 150 phút gồm 1 phần bắt buộc và 1 phần tự chọn như thông báo ở trên.

Tương tự, tại Học viện An ninh Nhân dân, năm 2023, thí sinh xét tuyển văn bằng 2 đối với ngành Nghiệp vụ an ninh thi bắt buộc 2 môn: Triết học Mác - Lênin (Môn 1), Lý luận nhà nước và pháp luật (Môn 2). Mỗi môn thi, thí sinh làm bài trong 180 phút.

Ngành An toàn thông tin/An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, thí sinh thi bắt buộc 2 môn: Triết học Mác - Lênin (Môn 1), Toán (Môn 2). Năm nay, phương án thi đã thay đổi như trên.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước