Bí quyết đạt 9 điểm môn năng khiếu Học viện Báo chí và tuyên truyền

Minh Đức-Thứ tư, ngày 13/04/2016 06:00 GMT+7

VTV.vn - Cùng nghe người đã đạt điểm cao nhất môn thi Năng khiếu Báo chí - Nguyễn Tuấn Minh chia sẻ kinh nghiệm để ôn luyện và chuẩn bị cho kỳ tuyển sinh vào ngành Báo chí sắp tới.

Trong mùa tuyển sinh Đại học, Cao đẳng 2015, những thí sinh đăng ký thi ngành Báo chí - Học viện Báo chí và Tuyên truyền phải thi thêm môn Năng khiếu Báo chí. Đây là một môn mới được áp dụng trở lại trong thi tuyển sinh của Học viện Báo chí và Tuyên truyền, vậy nên chưa có một dạng đề ôn tập nào cho môn này. Cùng gặp gỡ và trò chuyện với bạn Nguyễn Tuấn Minh – thủ khoa môn Năng khiếu Báo chí kỳ tuyển sinh 2015 để biết thêm về kinh nghiệm làm bài thi trong mùa tuyển sinh sắp tới.

- Trải qua 1 năm học tập tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Tuấn Minh cảm thấy thế nào?

Mình cảm thấy môi trường của Học viện Báo chí và Tuyên truyền rất tốt, thầy cô rất nhiệt tình trong việc giảng dạy và giúp đỡ các bạn sinh viên, bạn bè khá thân thiện và cởi mở. Đặc biệt là sự năng động trong việc sinh hoạt và rèn nghề. Là sinh viên lớp Báo ảnh nên ngay từ năm nhất, mình và các bạn đã có thể tự tác nghiệp ở môi trường bên ngoài chứ không chỉ học lý thuyết tại trường.

- Trong năm 2015, Học viện Báo chí và Tuyên truyền áp dụng trở lại môn thi Năng khiếu Báo chí, lúc thi môn này bạn có lo lắng không?

Lo lắng chứ, khi bước vào thi năng khiếu mình khá hồi hộp. Năm ngoái cũng là năm đầu tiên môn Năng khiếu được đưa trở lại vào thi tuyển nên mình cũng không biết ôn luyện theo from đề thi nào, chỉ có thể tự chuẩn bị kiến thức và mày mò trước thôi (cười).

- Bài thi gồm có 2 phần, tự luận và trắc nghiệm, bạn thấy phần nào khó nhất?

Trong bài thi Năng khiếu Báo chí, mình thấy cả trắc nghiệm và tự luận đều có cái khó riêng của nó. Riêng phần trắc nghiệm cần phải có vốn kiến thức xã hội khá rộng, còn phần tự luận thì yêu cầu cao kĩ năng phân tích và tư duy của thí sinh. Mình cảm thấy muốn làm tốt môn Năng khiếu Báo chí cần phải có sự rèn luyện trước, đặc biệt là phần tự luận. Nếu thí sinh không có phản ứng tư duy và phân tích nhanh nhạy, bao quát vấn đề thì rất dễ khiến bài viết có sơ hở trong lập luận. Nhưng nhìn chung thì mình thấy phần tự luận khó hơn vì cần phải đưa ra được suy nghĩ của bản thân nhưng vẫn phải giữ được sự khách quan.


Nguyễn Tuấn Minh là người đã đạt điểm thi môn Năng khiếu Báo chí cao nhất trong mùa tuyển sinh 2015

Nguyễn Tuấn Minh là người đã đạt điểm thi môn Năng khiếu Báo chí cao nhất trong mùa tuyển sinh 2015

- Trong kì thi tuyển sinh năm ngoái, bạn đã giành 9 điểm Toán, 8,5 điểm môn Văn và 9 điểm môn Năng khiếu Báo chí. Bạn có thể chia sẻ kinh nghiệm thi của mình được không?

Năm ngoái mình thi tổ hợp môn Toán, Văn và Năng khiếu Báo chí. Môn Toán, Văn ngoài đi học và làm bài tập luyện các dạng đề ở trên lớp thì mình cũng có đi học thêm để củng cố và nâng cao kiến thức. Nói chung là mình học cũng như tất cả các bạn khác. Còn về môn Năng khiếu Báo chí thì cứ lúc nào có thời gian rảnh mình lại đọc báo, đa phần là báo mạng để biết kết cấu các phần của một bài báo như thế nào. Qua những bài báo mình cũng học được cách phân tích, lập luận. Qua đấy cũng để biết thêm thông tin thời sự và xã hội.

Trong phần trắc nghiệm 3 điểm của môn năng khiếu, mình chỉ cần nhớ những kiến thức cơ bản của các môn xã hội là đủ. Còn riêng phần tự luận thì mình có một kinh nghiệm là luôn tìm tòi các chủ đề ngoài xã hội và tập lập dàn ý phân tích trước để rèn luyện cho khả năng nhận thức và phân tích nhanh nhạy hơn. Như vậy thì lúc vào phòng thi dù gặp bất cứ vấn đề nào mình cũng có thể tư duy để lập ý tốt hơn, từ đó bài của mình viết sẽ rõ ý hơn.

Ngoài ra mình cũng thường xuyên đi chơi xa cùng bạn bè để khám phá và tìm hiểu thêm nhiều thứ. Mới đây mình có đi Mộc Châu, Tuyên Quang... để thăm thú và chụp ảnh. Đi nhiều khiến mình thư thái đầu óc mà mở mang được nhiều thứ hơn, cách nhìn cuộc sống cũng sẽ khác đi. Những chuyến đi như vậy khiến mình có thêm nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống.

- Bạn nghĩ sao về việc nhiều người thi môn Năng khiếu Báo chí vẫn còn đặt nặng về lý thuyết, sách vở?

Thật ra theo mình nghĩ một phần để đạt điểm cao môn Năng khiếu Báo chí chính là nắm chắc kiến thức trong sách vở. Sách vở chứa lượng thông tin cơ bản trong mọi lĩnh vực và đã được hệ thống, cần phải nắm thật chắc những kiến thức này mới có thể trả lời nhiều câu trắc nghiệm trong môn thi Năng khiếu, ví dụ như những câu hỏi về lịch sử, xã hội chẳng hạn, những câu trắc nghiệm đó thật ra mọi người đều đã từng học rồi, chỉ cần ôn lại cho nhớ thôi.

Đương nhiên cũng không nên chỉ phụ thuộc vào sách vở mà cũng cần có sự tư duy và tìm hiểu. Như mình đã chia sẻ ở trên, mình luôn theo dõi báo chí để nắm bắt tình hình xã hội, cập nhật thông tin và tập tư duy, phân tích. Muốn làm tốt môn Năng khiếu Báo chí thì bạn cần phải kết hợp cả hai và xem trọng cả hai.

Minh mong các bạn học sinh khối 12 sẽ luôn ôn thi thật tốt, chuẩn bị thật chắc chắn những kiến thức đã học để bước vào kỳ thi với tâm lý tốt nhất!

Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước