Bến Tre cần có giải pháp ứng phó với COVID-19 khi trở lại học trực tiếp một cách bền vững

PV-Chủ nhật, ngày 16/01/2022 19:40 GMT+7

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: TTXVN

VTV.vn- Chiều 16/1, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã có buổi làm việc với tỉnh Bến Tre về tình hình GDĐT; việc thực hiện kế hoạch năm học 2021-2022 và triển khai Chương trình GDPT 2018.

Tham gia buổi làm việc có đại diện lãnh đạo các Vụ, Cục, Văn phòng Bộ GDĐT. Về phía tỉnh Bến Tre có ông Lê Đức Thọ, Bí thư Tỉnh ủy; ông Trần Ngọc Tam, Chủ tịch UBND tỉnh, bà Nguyễn Thị Bé Mười, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Sở GDĐT và các Sở, ngành của tỉnh.

Báo cáo của UBND tỉnh cho biết, năm học 2021-2022 diễn ra trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, kéo dài; việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ năm học quá khó khăn về mọi mặt. Nhờ sự lãnh chỉ đạo sát sao của Bộ GDĐT, cấp ủy, chính quyền địa phương và sự nỗ lực của toàn ngành GDĐT cùng sự đồng hành, chia sẻ của người dân, việc chuẩn bị, tổ chức khai giảng năm học và triển khai các hình thức tổ chức dạy học được triển khai đồng bộ, kịp thời và thích ứng với tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh; trong đó ưu tiên triển khai dạy học trực tuyến cho học sinh, học viên từ lớp 5 đến lớp 12; giao nhiệm vụ học tập cho học sinh lớp 1 đến lớp 4; hướng dẫn cha mẹ chăm sóc con em tại nhà đối với trẻ mầm non.

Hưởng ứng Chương trình "Sóng và Máy tính cho em", cả hệ thống chính trị của tỉnh đã vào cuộc, kết quả đã vận động được 3.868 tỷ đồng và hàng ngàn điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy tính bàn. Hiện tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh đã cơ bản được kiểm soát nhưng nguy cơ bùng phát dịch vẫn còn. Do vậy, địa phương tiếp tục thực hiện triệt để các biện pháp phòng chống dịch, đồng thời dự kiến đầu tháng 02/2022 sẽ từng bước mở cửa lại trường học.

Đại diện lãnh đạo tỉnh Bến Tre kiến nghị Bộ GĐĐT quan tâm hỗ trợ ngành giáo dục tỉnh trong việc nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, đẩy mạnh dạy học ngoại ngữ, cơ chế đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục; cơ chế và biên chế tuyển giáo viên, công bố các chỉ tiêu về giáo dục giữa các tỉnh để địa phương có cơ sở so sánh, phấn đấu … và điều chỉnh, bổ sung một số văn bản của ngành cho đồng bộ, sát hợp hơn.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn ghi nhận những thành quả đạt được trong thời gian qua của ngành Giáo dục tỉnh thời gian qua, nhất là năm học 2020-2021 khi phải chịu tác động của dịch bệnh bùng phát. Đặc biệt là năm 2022, ngành Giáo dục cần phải vượt qua thách thức dịch bệnh. Trong ứng phó dịch bệnh, khôi phục kinh tế xã hội, cần tiếp tục quan tâm, có giải pháp đưa học sinh trở lại trường an toàn và có những quyết sách mạnh mẽ hơn. Khẩn trương xác định năm 2022 là năm củng cố kiến thức, kỹ năng cho học sinh sau thời gian dài dạy học trực tuyến, xem là trọng tâm số 1. Cần có giải pháp ứng phó với dịch bệnh khi trở lại học trực tiếp một cách bền vững.

Nhân việc triển khai dạy học trực tuyến do dịch bệnh, đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành Giáo dục một cách bài bản, lâu dài. Tiếp tục thực hiện, chuẩn bị tốt cho các bước triển khai tiếp theo kế hoạch đổi mới giáo dục phổ thông; Quan tâm vấn đề kiên cố hóa trường học; phổ cập mầm non, đặc biệt lưu ý đủ trường, đủ giáo viên cho các trường mầm non, nhà trẻ ở các khu công nghiệp, phải coi đây là việc làm song song với việc phát triển các khu công nghiệp.

Tỉnh tiếp tục quan tâm xã hội hóa trong giáo dục, đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập, quan tâm hệ thống giáo dục thường xuyên, Trung tâm học tập cộng đồng, hệ thống thư viện và các hệ thống học tập khác...

Ông Lê Đức Thọ, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre tiếp thu các ý kiến của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cùng đoàn công tác và khẳng định, nâng cao chất lượng giáo dục là nhiệm vụ trọng tâm, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương, vì vậy, tỉnh Bến Tre sẽ nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ, đặc biệt chú trọng chất lượng giáo dục thực chất.

Bến Tre cần có giải pháp ứng phó với COVID-19 khi trở lại học trực tiếp một cách bền vững - Ảnh 1.

Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn thăm Trường THCS Châu Hòa (Giồng Trôm, Bến Tre). Ảnh: Báo Đồng Khởi

Cũng trong chuyến thăm và làm việc với tỉnh Bến Tre, chiều 15/1, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã đến thăm Trường THCS Châu Hòa (Giồng Trôm). Cùng đi có nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, lãnh đạo Sở GDĐT và lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Giồng Trôm.

Sau khi tham quan khuôn viên trường, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn đánh giá cao và cảm ơn các doanh nghiệp đã đồng hành cùng ngành GDĐT địa phương, tạo dựng cơ sở vật chất khang trang, hiện đại.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, trong cả nước còn trên 30% trường học tạm bợ, bán kiên cố. Ngay trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long hay Tây Nam Bộ, tỷ lệ trường học bán kiên cố chiếm tỷ lệ cao nhất. Trong tình hình chung của khu vực, Trường THCS Châu Hòa được tài trợ xây dựng kiên cố hết sức đáng quý. Bộ trưởng chúc mừng địa phương và ngành giáo dục Bến Tre có cơ sở tốt để giáo dục cho con em trong tỉnh.

"Với điều kiện cơ sở vật chất tốt, mong các thầy, cô giáo sử dụng hiệu quả và tạo ra sản phẩm giáo dục tương xứng với quê hương Bến Tre - nơi có nhiều danh nhân, anh hùng trong lịch sử dân tộc. Mỗi thầy cô giáo tiếp tục giáo dục cho các em đạo đức, nhân cách, niềm tự hào về quê hương và phát triển toàn diện. Tập thể nhà trường phát huy truyền thống giáo dục của tỉnh, phấn đấu đưa chất lượng dạy học đạt hiệu quả tốt nhất. Đặc biệt giai đoạn hiện nay, phải học tập tốt và chống dịch an toàn để thầy cô giáo và học sinh mỗi ngày đến trường là một niềm vui", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề nghị.

Bộ trưởng đặc biệt kỳ vọng từ ngôi Trường THCS Châu Hòa có thêm nhiều em học sinh trưởng thành đóng góp cho quê hương, dân tộc và sự nghiệp phát triển đất nước trong tương lai. Đồng thời mong muốn doanh nghiệp tiếp tục đồng hành hỗ trợ địa phương nhiều ngôi trường khang trang và kiên cố.

Dịp này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã tặng tủ sách cho thư viện và tặng quà lưu niệm cho trường.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước