Bất cập trường đại học tự chủ nhưng không được tăng học phí

VTV Digital-Thứ bảy, ngày 13/06/2020 13:46 GMT+7

VTV.vn - Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM đã thực hiện cơ chế tự chủ 3 năm nay, tiền hỗ trợ bị cắt nhưng học phí lại không được tăng.

Thực hiện cơ chế tự chủ, nhiều trường Đại học đã thông báo tăng học phí trong năm học tới để đảm bảo kinh phí hoạt động. Tuy nhiên, có trường ĐH đã thực hiện cơ chế tự chủ từ 3 năm nay, đã bị cắt tiền hỗ trợ từ ngân sách nhưng lại không được tăng học phí. Điều này đã khiến cho nhà trường rất khó khăn trong việc trang trải chi phí và đứng trước nguy cơ không giữ được những giảng viên giỏi.

Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM thực hiện cơ chế tự chủ, 3 năm nay, trường đã bị cắt tiền hỗ trợ từ ngân sách với khoảng 80 tỷ đồng/năm. Tiền hỗ trợ bị cắt nhưng học phí lại không được tăng. Hiện tại, học phí của trường vẫn giữ ở mức 13 triệu đồng/năm. Trong khi đó, theo tính toán của trường, để đào tạo một sinh viên y khoa tối thiểu phải mất 32 triệu đồng/năm.

Thu không đủ bù chi, trường đứng trước nguy cơ chảy máu chất xám. Theo Hiệu trưởng nhà trường, vướng mắc là do dù Nghị định 86 năm 2015 cho phép các trường đại học tự chủ được áp dụng mức "chi thường xuyên" và "chi đầu tư" nhưng Sở Tài chính TP.HCM vẫn chỉ duyệt cho trường "chi thường xuyên" theo quy định cũ tại nghị định 43 (năm 2006). Không được chi đầu tư và cũng không được hỗ trợ từ ngân sách, trường thực hiện mô hình tự chủ "nửa vời".

Bất cập trường đại học tự chủ nhưng không được tăng học phí - Ảnh 1.

Sinh viên trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM

Trước câu chuyện về việc thu học phí ở các trường thực hiện cơ chế tự chủ, PGS.TS Nguyễn Hội Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc trường ĐH Quốc gia TP.HCM cho rằng việc điều chỉnh mức thu đề xuất hơn 30 triệu/năm chỉ đủ thu bù chi chứ chưa có đầu tư cho phát triển. Mức này còn thấp hơn nhiều so với mức trần 50 triệu đồng/năm theo Nghị đinh 86.

PGS Nguyễn Hội Nghĩa cho rằng, tự chủ nửa vời, các trường không chỉ khó đảm bảo chất lượng đầu ra mà còn đối mặt nguy cơ các trường đóng cửa các mã ngành quan trọng, gây mất cân đối cung và cầu đào tạo nhân lực. Do đó, cần áp dụng cơ chế tự chủ hoàn toàn để tháo gỡ khó khăn cho các trường.

Để tháo gỡ khó khăn cho các trường thực hiện tự chủ, mới nhất, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có thông tư 14/2019 hướng dẫn nghị định 86, quy định mức giá dịch vụ giáo dục đào tạo, cho phép các trường thực hiện thu học phí theo nguyên tắc thu đủ bù chi, tiệm cận thực tế với nhu cầu đào tạo và thực hành. Tuy nhiên, các trường thực hiện cơ chế tự chủ như ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch vẫn phải chờ thêm hướng dẫn cụ thể của UBND TP.HCM và các Sở, ngành.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước