Chính phủ vừa đồng ý phương án các trường đại học thực hiện lộ trình tăng học phí phù hợp theo nghị định 81, điều đó có nghĩa là từ năm học tới, học phí nhiều trường đại học sẽ điều chỉnh tăng lên.
Việc tăng học phí là điều đã được tính toán, nhưng vẫn khiến không ít gia đình lo lắng các khoản chi tiêu sẽ vượt quá mức chi trả. Nhiều thí sinh cũng cân nhắc điều đó khi chọn trường, chọn ngành, đặc biệt là các em ở những vùng khó khăn.
Nhiều trường đã có lộ trình tăng học phí từ năm 2022 theo nghị định 81. Như trường Đại học Luật Hà Nội, dự kiến tăng gấp đôi ở thời điểm năm ngoái. Tuy nhiên, sau đó, việc tăng học phí được trì hoãn cho tới năm nay.
Nhiều trường đại học chưa công bố mức học phí của năm học tới với lý do chờ thông tin hướng dẫn, trong khi mùa tuyển sinh đã cận kề.
Tháng 7, công chức, viên chức sẽ được tăng lương cơ bản lên mức 1,8 triệu đồng, tăng từ vài trăm đến vài triệu đồng mỗi tháng. Trong khi đó, khi con vào đại học, học phí và các khoản sinh hoạt phí sẽ tăng hơn nhiều so với thời gian trước.
Nhìn vào thực tế đó, tăng học phí thế nào và các chính sách hỗ trợ người học để đảm bảo sự bình đẳng trong tiếp cận giáo dục đại học là điều cần phải tính tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!