Băn khoăn chính sách cộng điểm ưu tiên theo quy chế tuyển sinh mới

Bích Thuỷ, Nguyễn Phương-Thứ sáu, ngày 17/06/2022 20:41 GMT+7

VTV.vn - Sự thay đổi nhằm mục tiêu đảm bảo công bằng thì lại đang khiến học sinh khu vực 1 và 2 dấy lên nhiều lo ngại.

Về Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Hà Giang học tập là con em đồng bào từ các bản làng xa xôi. Trước nay, các em cùng chung nỗi vất vả của học sinh vùng cao, cùng chung cảnh học tập xa nhà, cùng chung các chế độ chính sách. Nhưng từ 2023 tới đây, điểm ưu tiên khu vực dành cho các em trong cùng trường, cùng lớp này sẽ khác nhau theo hướng: điểm thi tốt nghiệp càng cao thì điểm ưu tiên càng giảm.

Em Vàng Thị Xúa (Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Hà Giang) chia sẻ: "Em thấy không công bằng vì mình học tốt hơn, được điểm cao hơn thì mình lại được cộng ít hơn so với bạn đạt điểm thấp, mong muốn được cộng điểm như nhau vì cùng một môi trường học, cùng một thầy cô và lượng kiến thức như nhau thì điểm cộng phải như nhau".

Tiếp cận chính sách mới, nhiều học sinh đang cắt nghĩa nôm na việc cộng điểm ưu tiên lần này được thực hiện theo công thức: Càng khó khăn và càng học kém thì càng có cơ hội được cộng điểm ưu tiên cao. Trong khi học sinh thành phố có thể đang cảm thấy dễ thở hơn khi cạnh tranh với các bạn vùng khó, thì trong chính khu vực 1,2, các em lại đang dấy lên nỗi lo bất công bằng mới.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng với công thức trong quy chế mới: sẽ tránh được hiện tượng điểm chuẩn tăng đột biến như những năm trước khi có thí sinh đạt điểm xét tuyển cao hơn 30 điểm, hoặc trường hợp những thí sinh ở khu vực 3 có điểm thi rất cao nhưng vẫn không trúng tuyển. Tuy nhiên nhiều chuyên gia cho rằng, cách tính điểm ưu tiên mới này không phải giải pháp tối ưu.

Theo TS. Nguyễn Hữu Cường, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng văn hóa Cường Phát: "Không phải là ở việc cộng điểm ưu tiên, cũng không phải vì dịch mà chúng ta hạ thấp chuẩn giáo dục. Tôi nghĩ chúng ta cần nâng cao và khó hơn nữa thể hiện ở đề thi phải có sự phân hoá trình độ thí sinh thật là tốt".

Theo GS Nguyễn Đình Đức - Trưởng Ban Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội: "Ra đề thi đã tốt rồi mà công tác coi thi chấm thi không nghiêm túc thì dẫn đến tiêu cực. Điểm rất cao tuyệt đối dẫn đến nghi ngờ trong công tác coi thi, chấm thi".

Lên tiếng trước những băn khoăn trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng chế độ cộng điểm ưu tiên cũng tương tự như các chế độ chính sách hỗ trợ khác, không thể chỉ cào bằng theo điều kiện từng khu vực, mà còn phải căn cứ mức độ khó khăn cần hỗ trợ của từng đối tượng. Bộ có dẫn chứng ví dụ như: Trong cùng một khu vực, một gia đình ít khó khăn hơn một gia đình khác sẽ được hỗ trợ ít hơn, thậm chí không cần hỗ trợ. Tuy nhiên hiện nhiều học sinh vẫn không cảm thấy thoả đáng với cách giải thích này. Bởi theo các em việc so sánh chính sách ưu tiên khu vực với chính sách hộ nghèo là khập khiễng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước