Bài học đắt giá sau những vụ việc gây bức xúc trong ngành giáo dục

Minh Đức-Thứ ba, ngày 12/12/2023 18:20 GMT+7

VTV.vn - "Sau khi xảy ra liên tiếp nhiều vụ việc ứng xử thiếu chuẩn mực trong văn hóa học đường, chúng ta cần rút ra những bài học để hạn chế tình trạng này tiếp diễn".

Những ngày qua, sự việc cô giáo ở tỉnh Tuyên Quang bị nhóm học sinh dồn vào góc lớp và có những lời nói, hành động không chuẩn mực đã khiến dư luận không khỏi bức xúc. Vốn dĩ, tình trạng ứng xử học đường thiếu chuẩn mực đang là vấn đề trăn trở của xã hội trong thời gian dài, nay càng thêm "nóng" khi liên tiếp xảy ra nhiều sự kiện bạo lực học đường không chỉ giữa học sinh với học sinh, mà còn giữa giáo viên với học sinh.

Cụ thể, ngày 29/9, tại hành lang lớp 12, Trường Trung học phổ thông Đa Phúc (huyện Sóc Sơn, Hà Nội), một nữ sinh bị cô giáo đuổi ra ngoài hành lang lớp học và khóc đến kiệt sức.

Ngày 29/9, một clip gây phẫn nộ dư luận được tung ra trên mạng xã hội, ghi lại cảnh một giáo viên đang mắng học sinh té tát với những từ ngữ thiếu chuẩn mực. Sự việc diễn ra tại một lớp học của Trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú (huyện Thạch Thất, Hà Nội).

Đáng nói, đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, thực tế có rất nhiều vụ việc thiếu chuẩn mực về ứng xử giữa giáo viên và học sinh đã và đang xảy ra. Trong các vụ việc như vậy, những cách ứng xử kém nhân văn luôn khiến dư luận bức xúc và để lại thắc mắc, là tại sao những sự việc, cách ứng xử trên lại diễn ra tại giảng đường mà chưa được khắc phục? Chỉ xử phạt những đứa trẻ có hành vi bạo lực học đường liệu có đủ? Trách nhiệm của cha mẹ và nhà trường nằm ở đâu trong những sự việc như trên?

Người lớn cần thực sự trở thành tấm gương cho học sinh

PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, ông rất xót xa khi xem clip đồng nghiệp bị một nhóm học sinh THCS Văn Phú, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang dồn vào góc tường đe dọa, chửi bới trong khi cô chỉ biết đứng im phòng thủ.

"Cho dù sự việc bắt nguồn từ đâu, vì lý do gì, tôi cho rằng học sinh phải có thái độ lễ phép tối thiểu như lâu nay ta hay nói "tôn sư, trọng đạo". Việc học trò hành hung giáo viên không thể chấp nhận được. Ở đây tôi thấy sự bất lực chịu đựng của cô giáo. Nếu cô đứng im thì bị học trò đánh, còn phản kháng thì bị quay lại và tung lên mạng, cho rằng cô giáo có hành vi bạo lực".

Bài học đắt giá sau những vụ việc gây bức xúc trong ngành giáo dục - Ảnh 1.

PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội).

Theo PGS.TS Trần Thành Nam, thời gian qua một số vụ việc giáo viên bị học trò bạo hành khiến dư luận bức xúc.

Nhiều người nghĩ trẻ con không biết gì nhưng thực tế, từ trước đến nay ở nhiều trường học, giáo viên đang bị bạo hành cả về thể xác lẫn tinh thần. Thậm chí, nhiều học sinh cố tình tạo tâm lý ức chế cho giáo viên, hoặc cố ý khiêu khích để "gài bẫy" khiến thầy cô "phát hỏa" và các em quay chụp lại để tung lên mạng.

Trong khi đó, các bố mẹ phản ánh thông tin sự việc một chiều, chưa cần biết đúng sai đã muốn hạ nhục giáo viên cũng khiến các em thêm hung hăng. Người lớn chúng ta chưa thực sự trở thành tấm gương cho học sinh, chưa hành động chuẩn mực khiến học sinh bắt chước

Tuy nhiên, PGS.TS Trần Thành Nam cũng cho rằng giáo viên và Ban giám hiệu nhà trường nên xử lý những vụ việc này tốt hơn ngay từ đầu, nhưng lại rơi vào bẫy cảm xúc, không kiểm soát được bản thân dẫn tới hành vi thiếu chuẩn mực lại với chính học sinh của mình.

'Cách xử lý của nhà trường trong vụ việc phải nhân văn và tròn trách nhiệm'

Khi được hỏi về quan điểm của mình về việc trách nhiệm và cách xử lý của Hiệu trưởng và Ban giám hiệu nhà trường trong những vụ việc trên, PGS.TS Trần Thành Nam cho biết, về trách nhiệm chung trong các vụ việc xảy ra gần đây, Hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm về việc đảm bảo an toàn cho cả học sinh và giáo viên trong môi trường học tập tại trường. Khi một vụ việc bạo lực xảy ra, Hiệu trưởng phải là người phân tích vai trò và trách nhiệm của các bên, xác định các nguy cơ tiềm năng và có các giải pháp để phòng ngừa những nguy cơ có thể xảy ra trên thực tế.

Cụ thể là phải thực hiện những cuộc tiếp xúc với cả giáo viên và học sinh để tìm hiểu nguyên nhân, đồng thời thống nhất với các bên về việc hành xử tôn trọng và trách nhiệm.

Hiệu trưởng và Ban giám hiệu cũng phải có trách nhiệm thông tin và trao đổi với phụ huynh về vụ việc đồng thời yêu cầu phụ huynh phải cam kết hỗ trợ trong việc giáo dục và giải quyết vấn đề của con cái mình.

Đặc biệt, Hiệu trưởng cũng sẽ là người đứng đầu hội đồng kỷ luật để đảm bảo xử lý vụ việc một cách công bằng nhất nhưng cũng đảm bảo tính nhân văn và giáo dục, đồng thời đóng vai trò giám sát, theo dõi sự thay đổi và tiến triển của hành vi học sinh.

Bài học đắt giá sau những vụ việc gây bức xúc trong ngành giáo dục - Ảnh 2.

Giáo viên bị học sinh dồn vào góc tường thách thức.

Đối chiếu với các trách nhiệm chung như thế, trong trường hợp cụ thể tại Tuyên Quang, Hiệu trưởng và Ban giám hiệu đã không làm tròn chức trách của mình. Nếu các thông tin từ giáo viên báo cáo là đúng. Sự việc đã diễn ra trong một khoảng thời gian, giáo viên đã có báo cáo những sự việc nhưng không nhận được sự hỗ trợ.

Hiệu trưởng và BGH nhà trường còn thể hiện sự vô trách nhiệm với giáo viên và học sinh, thể hiện sự thiếu hiểu biết về hành vi pháp luật, vấn đề phòng chống bạo lực học đường và thiếu kỹ năng quản trị khủng hoảng truyền thông, giải quyết vấn đề.

'Học sinh quay clip và chia sẻ thiếu cân nhắc trên mạng xã hội có trách nhiệm của chúng ta'

Việc học sinh quay clip bạo lực học đường, phát tán trên mạng xã hội và sau đó bị xử phạt là một vấn đề nhạy cảm và đòi hỏi sự cân nhắc kỹ lưỡng từ phía các nhà trường và hệ thống giáo dục. PGS.TS Trần Thành Nam đã chia sẻ một số ý kiến về vấn đề này.

Thứ nhất, cha mẹ đã cho con được tiếp cận với điện thoại thông minh có khả năng ghi âm ghi hình từ quá sớm mà không trang bị cho con các kỹ năng để chia sẻ thông tin an toàn, kỹ năng sống an toàn trên mạng cho con. Cha mẹ cũng không kiểm soát những nội dung con tiếp xúc trên mạng dẫn đến trẻ tiếp cận và làm theo những hành vi xấu trên mạng xã hội trong đó có việc ghi hình "bóc phốt" người khác để đăng trên mạng

Thứ hai, nhà trường đã chưa kịp trang bị cho học sinh bộ năng lực số, hiểu về đặc điểm của thông tin số để có thể tương tác an toàn trên mạng, chưa giáo dục học sinh về Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội về các nguyên tắc an toàn, tôn trọng, lành mạnh và trách nhiệm. Cũng có thể chính sách nhà trường không có quy tắc rõ ràng về việc quay clip trong môi trường học đường và chia sẻ thông tin trực tuyến

Chúng ta cũng thiếu trách nhiệm để trang bị cho các em các phẩm chất, giá trị sống đẹp như yêu thương, tôn trọng, chia sẻ, hợp tác… Hoặc cũng chưa có những chiến lược hiệu quả để bảo vệ trẻ khỏi các chất liệu bạo lực và tình dục, các hội nhóm tiêu cực đang nhan nhản trên không gian mạng.

Nhà trường, gia đình và xã hội phải giáo dục các em thay đổi nhận thức, thay đổi hành vi chứ không đặt nặng về vấn đề trừng phạt. Cái chính là phải giáo dục học sinh về ý thức cộng đồng, trách nhiệm tạo ra môi trường an toàn trong nhà trường. Các em phải có nghĩa vụ phòng chống bạo lực học đường chứ không nên cổ vũ những hành động thỏa mãn nhu cầu hiếu kỳ của mọi người. Học sinh cũng như phụ huynh phải hiểu rằng việc quay clip và phát tán lên mạng xã hội là thiếu ý thức xây dựng cộng đồng, tiếp tay cho bạo lực học đường phát triển.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước