Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra một con số điều tra đáng lo ngại đó là hơn 90% học sinh, sinh viên bị rối nhiễu tâm trí do áp lực học hành.
Theo kết quả cuộc khảo sát tiến hành ở một số trường phổ thông và ĐH tại Hà Nội, Hải Dương cho thấy có đến 93,57% học sinh, sinh viên được hỏi gặp phải những khó khăn, vướng mắc cần phải chia sẻ trong học tập và cuộc sống hằng ngày. Tỉ lệ này ở bậc phổ thông là 95,33% và ĐH là 85,92%. Trong khi đó, Bộ Y tế cho biết, số học sinh có ý định tự tử cả nước ngày càng tăng cao (16,9%), trong đó 21,8% học sinh đã phải đến điều trị tại bệnh viện.
Các nhà tâm lý học đánh giá, áp lực học hành được đặt lên vai các em học sinh từ lớp 1, lớp 2, nhưng ở độ tuổi này, các em chưa thể nhận thức được sự cần thiết của việc giải tỏa áp lực (stress). Theo thời gian, nó sẽ tích tụ dần dẫn đến những thay đổi tâm lý khó lường trước. Một câu hỏi đặt ra là: Ai là người tạo ra áp lực học hành cho con trẻ?
Theo khách mời của chương trình Cuộc sống thường ngày 6/12, cô giáo Nguyễn Thị Thu Huyền (Hà Nội): "Áp lực học hành đối với học sinh ở bất cứ đất nước nào cũng có nhất là các nước châu Á. Khi áp lực quá nặng đặt lên vai học sinh sẽ dẫn đến các hậu quả khôn lường về sức khỏe, tâm sinh lý, tinh thần của các em, nghiêm trọng có thể dẫn đến tự tử.
Nguyên nhân dẫn đến áp lực đối với học sinh là chương trình học đang quá tải. Thứ hai là từ phía thầy cô. Áp lực từ thầy cô là áp lực bài vở trên lớp mà học sinh phải hoàn thành. Thứ ba là áp lực từ phía gia đình. Nhiều bậc phụ huynh quá kỳ vọng vào con so với khả năng con mình có.
Mặc dù việc bố mẹ có kỳ vọng ở con mình là động lực cho con mình cố gắng. Không có kỳ vọng ở bố mẹ, trẻ rất dễ buông xuôi. Tuy nhiên, kỳ vọng của bố mẹ nên đặt đúng với khả năng con mình có".
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!