Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Vương quốc Anh, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã dự Diễn đàn hợp tác giáo dục Việt Nam - Vương quốc Anh. Sự kiện do Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam phối hợp với Bộ Thương mại Quốc tế Anh và Hội đồng Anh tổ chức.
Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành; Phó Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Anh Nigel Evans; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà; Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa và Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc; Đặc phái viên của Thủ tướng Anh về giáo dục quốc tế Steve Smith; đại diện các trường đại học của Việt Nam và Vương quốc Anh.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn KIm Sơn tại Diễn đàn.
Phát biểu tại Diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định: Giáo dục là quốc sách hàng đầu tại Việt Nam, phát triển giáo dục được xác định là một trong ba khâu đột phá để thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
"Việt Nam đang có mục tiêu đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ trở thành một nước có thu nhập trung bình cao trên thế giới và đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, Việt Nam là một nước phát triển và có thu nhập cao. Đây là mục tiêu rất tham vọng. Việt Nam tin tưởng sẽ hoàn thành mục tiêu này", chia sẻ điều này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đồng thời nhấn mạnh, diễn đàn về giáo dục, một chừng mực nào đó còn quan trọng hơn cả các vấn đề liên quan đến thương mại, kinh tế, đầu tư. Bởi, suy cho cùng nguồn lực để thực hiện việc đó xuất phát từ sự thành công của sự nghiệp giáo dục và đào tạo.
Minh chứng cho sự quan tâm chăm lo cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết: Hiện nay, hằng năm, Quốc hội Việt Nam đều quyết định dành đến 20% ngân sách quốc gia cho giáo dục và đào tạo. Đây là một chỉ tiêu bất di, bất dịch. Để thực hiện mục tiêu tạo bước chuyển mạnh về phát triển nguồn nhân lực, Việt Nam xác định cần chủ động hội nhập quốc tế, đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục để nâng cao chất lượng giáo dục Việt Nam.
Quốc hội Việt Nam cũng đã ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học vào năm 2018 và ban hành Luật Giáo dục năm 2019. Điều này đã tạo cơ sở pháp lý thuận lợi, thúc đẩy hợp tác và đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục, kèm theo đó là luật pháp về đầu tư và doanh nghiệp đều được hoàn thiện. Đến nay, Việt Nam đã thu hút được hơn 500 dự án đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục với tổng số vốn đầu tư lên tới trên 4 tỉ USD. Mặc dù còn nhiều thách thức và khó khăn nhưng tiềm năng đầu tư vào giáo dục tại Việt Nam vẫn còn rất lớn.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Diễn đàn.
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Vương quốc Anh có nền giáo dục lâu đời, phát triển, thành công hàng đầu thế giới và có ảnh hưởng không nhỏ đến nền giáo dục toàn cầu. Quan hệ giữa Việt Nam và Vương quốc Anh, nhất là sau khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược vào năm 2010 đến nay có nhiều bước tiến tích cực trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực giáo dục.
"Quốc hội Việt Nam luôn ủng hộ việc phát triển quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước, trong đó có quan hệ hợp tác trong lĩnh vực giáo dục. Tôi tin rằng, Diễn đàn hợp tác giáo dục Việt Nam và Vương quốc Anh sẽ mở ra một giai đoạn mới cho sự hợp tác bền vững, lâu dài, hiệu quả trong lĩnh vực giáo dục giữa hai nước. Nhất là sau những ngày ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Góp phần tăng cường mối quan hệ Đối tác chiến lược của hai nước. Tôi mong muốn quan hệ hợp tác giáo dục giữa hai nước trong thời gian tới sẽ được cụ thể hóa bằng các con số ấn tượng.", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Một số lĩnh vực hai bên cần quan tâm hợp tác được Chủ tịch Quốc hội đề cập như: Chính phủ Anh tiếp tục hỗ trợ cho việc dạy và học tiếng Anh tại Việt Nam, trong đó có việc chia sẻ nguồn học liệu; tiếp tục tăng học bổng cho sinh viên Việt Nam, ngoài số du học tự túc; tăng số lượng các chương trình liên kết đào tạo với các trường đại học có xếp hạng của Anh, trong đó có quan tâm đến lĩnh vực khoa học, công nghệ và đào tạo bậc tiến sĩ; tăng cường việc trao đổi sinh viên, giảng viên cũng như đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu các trường đại học của Anh và Việt Nam.
"Việt Nam khuyến khích, mong muốn và sẽ tạo mọi điều kiện để sớm có các trường uy tín của Anh mở phân hiệu tại Việt Nam. Tôi đề nghị các trường đại học thực hiện ký cam kết hợp tác hôm nay sẽ xây dựng kế hoạch triển khai đảm bảo thiết thực, hiệu quả; phối hợp cùng nhau thực hiện hiệu quả Đề án của Chính phủ Việt Nam về "Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2030". Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục Anh và Hiệp hội các trường đại học ở Anh đảm bảo việc hợp tác của hai bên đạt được hiệu quả cao. Đại sứ quán Việt Nam tại Anh tiếp tục hỗ trợ thúc đẩy hợp tác giáo dục giữa hai nước", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ.
Phó Chủ tịch Hạ viện Vương quốc Anh Nigel Evans trao đổi tại Diễn đàn.
Bày tỏ vui mừng khi có mặt tại Diễn đàn, Phó Chủ tịch Hạ viện Vương quốc Anh Nigel Evans khẳng định, giáo dục là một trong những ưu tiên hàng đầu trong hợp tác giữa Việt Nam và Vương quốc Anh. Điều này được thể hiện qua con số 12 nghìn du học sinh của Việt Nam đang theo học tại Anh. Hiện có 40 dự án đầu tư trực tiếp trong lĩnh vực giáo dục từ Anh tới Việt Nam. Vương quốc Anh mong muốn hỗ trợ để tăng cường đào tạo ngôn ngữ tiếng Anh, phát triển chất lượng giáo viên tiếng Anh, đánh giá trình độ tiếng Anh, cũng như số hóa để có một nền giáo dục bao trùm hơn. Đặc biệt, Vương quốc Anh muốn hỗ trợ phát triển các ngành then chốt như khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để giúp cho lực lượng lao động Việt Nam có thể bước vào thời kỳ số.
Phó Chủ tịch Hạ viện Vương quốc Anh Nigel Evans cho biết: Năm 2020, một tuyên bố chung giữa Anh và Việt Nam đã được ký kết, Anh cam kết hỗ trợ chiến lược cải cách giáo dục của Chính phủ Việt Nam. Theo đó, cho phép các trường đại học và khối tư nhân có thêm khoản đầu tư để mang lại cơ hội giáo dục của Anh đến Việt Nam. "Chúng tôi mong muốn hỗ trợ các nỗ lực tăng cường đào tạo ngôn ngữ phát triển theo chất lượng. Các trường đại học của Anh đang tăng cường hợp tác với các trường Đại học của Việt Nam trên tinh thần này."
Ngoài ra, tháng 4/2019, hai bên đã ký kết một thỏa thuận ghi nhớ về khuôn khổ pháp lý hợp tác giáo dục giữa hai nước. Theo thỏa thuận này, hai quốc gia sẽ chia sẻ kinh nghiệm trong giáo dục đào tạo nghề tại Việt Nam; khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào đào tạo nghề. Việt Nam sẽ tập trung vào việc tăng cường chất lượng và sự hiệu quả của đào tạo nghề, để đáp ứng nhu cầu các ngành nghề sản xuất hiện đại tới năm 2030 và tương tác với các chương trình thị trường đào tạo nghề thế giới. Nước Anh sẽ chia sẻ để có thể tăng cường chất lượng của giáo dục đào tạo nghề và xây dựng các chính sách đào tạo nghề bền vững.
Tại Diễn đàn hợp tác giáo dục Việt Nam - Vương quốc Anh, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành và các thành viên Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội nước ta đã chứng kiến lễ trao 10 biên bản ghi nhớ giữa các trường đại học của hai nước.
Bên lề Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã có cuộc tiếp đại diện lãnh đạo của Cambridge và Pearson về hợp tác trong lĩnh vực đào tạo tiếng Anh và bảo đảm chất lượng đào tạo tiếng Anh tại Việt Nam.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!