Thơm giòn bánh khô mè Cẩm Lệ

Theo Dantri-Thứ sáu, ngày 06/03/2015 05:00 GMT+7

VTV.vn - Với nguyên liệu là gạo, nếp, đường, mè, người thợ đã cho ra những chiếc bánh khô mè thơm, giòn, xốp…

Đây cũng là một trong ba món ăn của Đà Nẵng được Tổ chức kỷ lục Việt Nam công nhận là đặc sản của Việt Nam. Trước đây, bánh khô mè còn có tên gọi là bánh “bảy lửa”, vì khâu chế biến phải trải qua ngọn lửa bảy lần.

Hương vị thơm ngon đặc trưng trong từng mẻ bánh là sự kết hợp giữa gạo nếp thơm giã nhuyễn, mè rang và đường. Một mẻ bánh ngon phải được bọc lớp mè rất đều, trải qua bảy lần nướng mới có được độ giòn và màu sắc bắt mắt, đánh thức được “ngũ quan”, với màu vàng của tơ đường mía, mùi hương đặc trưng của mè kết hợp với hương quế và gừng, vị ngọt thanh của đường, vị bùi của nếp và mè, khi ăn nghe tiếng bánh vỡ giòn “rào rạo”.

Ngay từ trung tuần tháng 11 âm lịch, những lò bánh khô mè bên bờ sông Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng tất bật hơn ngày thường cho những mẻ bánh phục vụ Tết Nguyên Đán. Đây được xem là vụ sản xuất quan trọng nhất trong năm và cũng là tín hiệu đáng mừng cho các làng nghề.

Bánh khô mè nổi tiếng nhất ở Đà Nẵng là cơ sở sản xuất bánh khô mè bà Liễu do bà Huỳnh Thị Liễu (70 tuổi, đường Hòa An 12) làm chủ. Theo bà Liễu, bà học làm bánh từ bà nội mình lúc còn nhỏ. Những ngày thường, cơ sở của bà chỉ làm khoảng 50 gói bỏ cho các siêu thị đặc sản và chợ. Nhưng vào vụ Tết, cơ sở phải làm lên đến 200 gói/ngày mới đáp được nhu cầu của khách hàng. Các công nhân cũng phải làm việc chăm chỉ, chạy đua với thời gian để kịp cho ra lò những mẻ bánh. Nguyên liệu làm bánh gồm gạo, mè, đường. Tuy nhiên, các công đoạn làm bánh khá công phu. Phải mất hai ngày mới cho ra được sản phẩm hoàn chỉnh.

“Trong các khâu làm bánh, khó nhất là khâu vuốt gạo, rồi xay, hấp, nướng đi, nướng lại”, bà Liễu cho biết.

Thị trường bánh mè khô bà Liễu hiện nay không chỉ bó hẹp trong thành phố Đà Nẵng mà còn vươn xa ra các tỉnh thành: Quảng Nam, Quảng Ngãi, TP.HCM… Cơ sở bánh khô mè của bà Liễu cũng nhiều năm liền đạt huy chương vàng tại các kỳ hội chợ.

Hiện nay, bà Liễu còn mở thêm một cơ sở nữa do con gái bà là chị Lê Thị Kim Thoa (40 tuổi, đường Ông Ích Đường) phụ trách. Chị Thoa cho biết, từ lúc còn đang đi học, chị đã giúp mẹ làm bánh. Đến năm 1997, bà Liễu bắt đầu mở thêm cơ sở cho chị quản lý. Những ngày này, tại cơ sở của chị Thoa, các công nhân cũng đang tất bật làm bánh không kém gì tại cơ sở của mẹ mình.

Chị Thoa cho biết, hiện mỗi ngày tại cơ sở của chị có 15 công nhân làm việc mới có thể làm đủ số bánh của vụ Tết. Nếu ngày thường, chỉ làm 40 – 50 gói thì những ngày này phải làm 200 gói. Một số khách hàng còn đặt hàng theo yêu cầu riêng của họ nữa.

Chia sẻ bí quyết để cho ra những mẻ bánh ngon, chị Thoa cho biết: các nguyên liệu: gạo, mè đều phải mua ở quê, thuộc loại ngon; đường cũng phải là loại đường loại 1.

Tại cơ sở sản xuất bánh khô mè của ông Huỳnh Đức Khiển (ông Khiển là em trai của bà Liễu) những ngày này cũng luôn luôn đỏ lửa để phục vụ kịp thời các đơn đặt hàng từ khắp mọi miền Nam Bắc. Ngày thường, cả cơ sở của ông Khiển với 20 lao động chỉ sản xuất trung bình 50 kg bánh thành phẩm, nhưng vào vụ Tết phải huy động thêm cả con cháu trong gia đình cùng làm mới kịp tiến độ giao hàng, số lượng bánh làm ra có thể lên đến 200 kg mỗi ngày.

Để có một mẻ bánh chất lượng, đòi hỏi cả cơ sở phải hoạt động hết công suất cả ngày lẫn đêm, từ việc nhóm lửa, vo gạo, giã gạo cho thật nhuyễn, rang mè, nấu đường, nướng bánh. Tất cả phải được hoàn thành theo đúng công đoạn và trình tự mới có thể đáp ứng được nhu cầu khắt khe của thị trường.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước