Cuối tháng 4, khi các chùm hoa anh đào, hoa mận đang thưa dần trên các thung lũng vùng Kansai, hoặc trong các khu vườn ở cố đô Kyoto, dòng du khách đến Nhật Bản lại có thú vui khám phá những nét đặc trưng của văn hóa đất nước Mặt Trời mọc. Các show trình diễn thời trang Kimono, các khu phố ẩm thực, với rượu Sake, trà đạo, lại nối tiếp, làm say lòng du khách.
Theo chân một nhà kinh doanh người Nhật gốc Việt, ông Lâm Ngô, tôi có dịp tham dự một phiên đấu giá tại trái tim của ngành công nghiệp dịch vụ về hoa kiểng lớn nhất ở thủ đô nước Nhật, Trung tâm đấu giá hoa tươi, thuộc Công ty Đấu giá hoa Nhật Bản ( FAJ). Chiếc ô tô con chở chúng tôi thuộc loại nhỏ, mà phải lượn nhiều vòng trên bãi đỗ xe rộng bạt ngàn, bên ngoài trụ sở Trung tâm tại số 2-1-1Tokai Ohta, Tokyo, để tìm được điểm dừng.
‘ Toàn cảnh sàn đấu giá
Hàng dãy xe tải các loại, xe đông lạnh, xe bán tải pick- up đang chờ chuyển hàng sau phiên đấu giá, tỏa về các tỉnh, thành khắp nước Nhật. Vốn là ông chủ của chuỗi siêu thị hoa kiểng đến từ tỉnh Chiba, lại nhiều năm là hội viên của Trung tâm FAJ, ông Ngô dẫn chúng tôi đi tắt qua dãy nhà kho, có hàng chục nhân viên mặc đồng phục đang xếp các xe đẩy có thùng nhựa lớn xếp đầy hoa tươi, chờ đến lượt ra sàn đấu giá.
‘ Các thùng hoa xuất kho
Khác với dãy nhà kho có gam màu xám xịt, khu vực sàn đấu giá hiện ra trong ánh sáng lung linh của hàng đèn tỏa xuống từ trần nhà cao như mái của khu liên hợp thể thao có mái che. Hoa tươi các loại, từ cúc vàng, tuy líp tím – đỏ, đến thược dược muôn màu sắc, xếp ngay ngắn trong các thùng nhựa có bánh xe, dừng trước từng bàn đấu giá.
Hàng trăm doanh nhân đến tham gia đấu giá, ngồi trên các dãy bậc cao như khán đài sân vân động, chăm chú theo dõi thông tin từ dãy màn hình kích thước 180 inch (lớn nhất Nhật Bản) treo trên tường đối diện. Trước mặt mỗi người là một bàn vi tính chuyên dùng, để bấm chọn khi quyết định số lượng thùng hoa và giá cả sẽ mua. Vòng cung tròn trên màn hình, với các sắc độ xanh – tím – đỏ chạy liên tục, thông báo các chỉ số đã được khách hàng đấu giá thành công. Kết thúc mỗi đợt đấu giá một loại hoa, nhân viên điều độ từng bàn giao dịch đọc to kết quả và gọi tiếp đợt hoa khác đẩy vào.
‘ Bàn vi tính chuyên dùng
Tổng giám đốc Shunzou Fujisawa cho biết, sàn đấu giá được thành lập từ năm 1988, nhưng đến năm 2008 hệ thống đấu giá bằng máy mới được hoàn tất. Hàng ngày, có trên 40.000 thùng hoa tươi các loại từ đây tỏa đi khắp nước Nhật, phục vụ nhu cầu tiêu dùng. FAJ có trung tâm nghiên cứu về hoa lớn nhất Nhật Bản. Vòng đời của hoa, độ tươi của hoa, cũng như tìm ra giống hoa mới, đều phải tuân thủ tiêu chuẩn MPS, do các chuyên gia đến từ Hà Lan cấp chứng nhận. FAJ dùng hệ thống chậu ELF, xe đẩy ALFOC để đảm bảo thân thiện với môi trường và bảo vệ người tiêu dùng.
‘ Doanh nhân tham gia đấu giá
Thăm trung tâm FAJ, du khách Việt Nam thầm mơ ước, đến một ngày nào đó, tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, chúng ta cũng có một trung tâm công nghiệp dịch vụ về hoa như của nước bạn để phục vụ người tiêu dùng.