Phượt trên đường mây

Theo Vương Tâm/Báo VOV-Thứ sáu, ngày 12/02/2016 08:17 GMT+7

VTV.vn - Mây bay trong nắng. Nắng lung linh và dịu dàng trong mây. Tôi nhẹ nhàng đi trong viền núi, chầm chậm để nghe tiếng sóng biển vỗ ào ạt dưới chân đèo.

Thực ra, nếu không nghe những chuyện ma mị, hay về những miếu thờ người chết dọc đường đèo, thì tôi không sợ đến thế. Trở về, tôi vẫn ám ảnh bởi câu ca dao xưa: “Chiều chiều mây phủ Ải Vân. Chim kêu gành đá gẫm thân lại buồn”.

Phượt trên đường mây.
Phượt trên đường mây.

Tôi đã có lần lên đèo Hải Vân được nửa chừng, nhưng hôm đó mây nhiều đến nỗi không tỏ mặt đường, kể cả khi bật đèn chiếu sáng, nên đành quay xe máy trở về Đà Nẵng. Thực ra, nếu không nghe những chuyện ma mị, hay về những miếu thờ người chết dọc đường đèo, thì tôi không sợ đến thế. Trở về, tôi vẫn ám ảnh bởi câu ca dao xưa: “Chiều chiều mây phủ Ải Vân. Chim kêu gành đá gẫm thân lại buồn”. Thế rồi nỗi niềm ấy dụ dỗ tôi và ngay chỉ hôm sau thôi, nắng chợt lóe lên thế là con đèo hiện lên trước mắt.

Đi trong đèo mây

Ngỡ như trời nắng bất ngờ, sẽ xua tan đi những làn mây bao phủ trên đỉnh đèo; nhưng không, gió vẫn dào dạt từ phía biển và mây vẫn như dòng suối chảy từ trên cao xuống. Có lúc tôi dừng xe để hít lấy cái hơi lạnh của rừng núi quấn quanh mình. Mây bay trong nắng. Nắng lung linh và dịu dàng trong mây. Tôi nhẹ nhàng đi trong viền núi, chầm chậm để nghe tiếng sóng biển vỗ ào ạt dưới chân đèo.

Con đèo cho dù đã hình thành hơn 700 năm qua, giờ đây lại được lát nhựa phẳng mịn, nhưng vẫn còn đó những nỗi uẩn khúc thuở ban đầu. Những tai họa rình rập và hình ảnh thú dữ ăn thịt người vẫn chẳng thể nào phai mờ. Theo như sách sử triều Nguyễn có ghi chân núi về phía Bắc, sát ngay biển có hang Dơi và bãi Cháy; sóng thần thường xảy ra nên tàu thuyền đi qua đây hay bị lật chìm. Do vậy trong dân gian có câu ca để ghi nhớ: “Đi bộ thì sợ Hải Vân. Đi thủy thì sợ sóng thần hang Dơi”.

Người bạn tôi nói hãy cứ đi đi, không đến nỗi nào đâu, nhưng nghĩ đến việc phải vượt qua chín dãy núi, trên con đèo vắt vẻo chênh vênh, dưới là sóng biển thì không thể không ngần ngại. Họa may chỉ có cánh thanh niên là phóng nhanh, lượn khéo mới có cảm giác bốc trời. Nhưng dù sao đỉnh đèo với Ải quan xưa hiện ra làm tôi vững dạ. Tiếng gọi nhau vang lên. Các cô gái cười rộn rã. À mà còn có cả đôi trai gái sắp cưới đã cất công lên đây để chụp ảnh. Tôi dừng xe bên vệ đường. Một đám mây ùa tới êm như nhung ôm lấy mặt tôi.

Bất ngờ đỉnh đèo

Thật tình cờ, lên tới đây tôi gặp được Bảo Mân, một ca sĩ trẻ, hiện đang là sinh viên năm thứ hai Nhạc viện Huế. Mân nói mình đi cùng hai bạn sắp cưới rủ nhau lên đây chụp ảnh. Lãng mạn thật đó. Các bạn trẻ đi từ thành phố Huế lên đây cũng phải tới gần 80km đường xa. Ở trên độ cao này, ảnh cưới trong mây bay, cùng ánh nắng dịu nhẹ càng tạo nên chất thơ, đúng với sự mộng mơ của Huế.

Hai bạn trẻ leo lên trên một lô cốt cũ, mà trước kia giặc Pháp xây thành đồn nhất ở ngay trên đỉnh đèo này để án ngữ con đường từ Thuận Hóa vào hay từ Quảng Nam đi ra Huế. Hình ảnh của hai bạn như muốn xua tan đi những ký ức cháy bỏng một thời ở chính nơi các bạn đứng trên các lỗ châu mai, ụ súng. Đôi trai gái mới đẹp làm sao. Tà áo tinh khôi trắng bay trong làn gió biển rì rào và những sợi mây vắt ngang. Tình yêu mà. Trên độ cao lý tưởng này. Hình ảnh lung linh và họ sẽ càng yêu nhau thắm thiết hơn.

Tôi chợt nghĩ những bức ảnh ấy phần nào cũng phản ảnh một nét văn hóa sinh hoạt đã được hình thành về hai phía của con đèo này. Bởi đèo Hải Vân chính là một cú rẽ đột ngột của dãy núi Trường Sơn chạy thẳng ra biển, chắn ngang hai vùng đất Bắc miền Trung là Thừa Thiên Huế và Nam miền Trung là Quảng Nam. Hai giọng nói khác nhau, phong cách sống cũng khác nhau. Bên phía nam đèo Hải Vân thì nồng nhiệt, tốc độ với sức sống trẻ trung và mạnh mẽ mà thành phố Đà Nẵng là điển hình. Còn phía bắc Hải Vân lại mơ mộng dịu dàng, với những câu hò trên sông Hương. Cung đình và sang trọng. Lung linh trong từng tà áo dài màu tím. Khoan thai trong mỗi bước đi và có nụ cười trong ánh mắt.

Khi hỏi chuyện, tôi cũng không ngờ ca sĩ Bảo Mân lại rành rọt mọi chuyện về trận đánh đồn Nhất năm xưa đến vậy.Thật ra đồn ở đây đã từng được vua nhà Trần cho xây từ năm 1826, nhưng chỉ là đồn trú gác bảo vệ sự an lành cho dân sinh của hai vùng miền và để thông thương thuận buồm xuôi gió. Sau này giặc Pháp cho xây lại thành cứ điểm chiến đấu với nhiều công sự vững chắc, và cắt cử hai trung đội lính Âu - Phi chiếm đóng. Bảo Mân còn nhớ, vào chiến dịch mùa thu năm 1952, quân và dân ta ở hai vùng chân núi Hải Vân cùng đánh lên, đã tiêu diệt toàn bộ quân giặc và bắt sống tên quan hai chỉ huy người Pháp…

Bảo Mân nói mình đã được nghe người ông kể lại chuyện đã xảy ra chính tại cái lô cốt kia nơi hai bạn của mình đang chụp ảnh cưới. Thì ra văn hóa là vậy, từ cái đèo Hải Vân này. Người Huế lên đây tìm lại những ký ức, còn người Quảng Nam lên đây lập cửa hàng buôn bán. Họ có cách gìn giữ bảo vệ lịch sử theo cách riêng của mình. Phải chăng chính vì thế mà vào thời Minh Mạng khi xây cổng thành Ải Vân quan, năm 1906 đã cho khắc về hai phía thành những dòng chữ khác nhau. Cổng thành hướng về phía kinh đô Huế ghi 6 chữ: “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”; còn ghi ở cổng hướng về phía nam, chỉ ba chữ “Hải Vân Quan”. Những chữ khắc bằng đá xanh ngày ấy vẫn còn nguyên và phần nào phản ánh hai ánh sáng văn hóa có phần rõ rệt từ xa xưa, do chính dãy núi và con đèo Hải Vân tạo nên bức phên dậu ngàn năm qua. Nét đặc trưng mô tả về cảnh sắc hùng vĩ của tấm lá chắn Hải Vân, nhà văn Ngô Thì Trí cũng đã từng viết: “Ngọn núi này khí át sông Ngân, thế nuốt bờ biển, tầng đá trập trùng khó vịn, cây cối xum xuê rợp bóng, sóng vỗ ầm ầm như tiếng sấm vang trời, suối chảy rào rào như mưa từ lưng trời đổ xuống”. Chính cái khí át sông Ngân ấy mà đèo Hải Vân đã tạo nên sự phân định hai miền trời đất, mỗi nơi một vẻ sinh sôi.

Một nốt Lăng Cô

Đột nhiên có tiếng còi tàu vút lên trên đèo mây. Tôi giật mình nhớ còn phải đi tiếp nửa chặng đèo nữa về phía chân biển Lăng Cô. Đây là làng chài cổ được coi là chân đèo Hải Vân từ phía Bắc lên. Lại những khúc quanh, những con cầu nhỏ với vực sâu, cùng những con dê leo trên vách đá. Tôi đi với cảm giác lâng lâng vì xuống dốc trong tiếng chim kêu ríu rít muốn ngỏ lời chào. Tiếng còi cất lên lần nữa như lời nhắc nhở sự cheo leo. Và, tôi chợt nhớ đến lời ca trong bài “Tàu anh qua núi”, mà NSND Thanh Hoa từng hát trên mọi tuyến đường: “Đi dọc thời gian theo bánh con tàu quay. Qua đèo Hải Vân mây bay đỉnh núi. Nhớ khi xưa qua đèo qua suối. Mà lòng ta mơ, tàu qua núi cao…”.

Đúng vậy, tôi qua núi cao và ngẩn ngơ trước bãi cát trắng của làng chài Lăng Cô. Quả như mọi lời nhận xét, bãi biển Lăng Cô càng im lặng càng đẹp, vì lúc ấy vẻ nõn nà hồn nhiên của sóng và cát trắng hiện lên. Tôi vội tắt động cơ xe để cho không gian im lặng hơn. Hàng chục du khách khác cũng đứng từ chân đèo Hải Vân mà lặng ngắm con sóng trong xanh của Lăng Cô. Một nỗi im lặng trong sự hoang hoải cô đơn mang tên Lăng Cô. Đó là dấu chấm cuối cùng của bài thơ về con đèo Hải Vân mà tôi cảm xúc bằng sự trải nghiệm của một chuyến đi.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước