Ngày xuân du hội Côn Sơn – Kiếp Bạc

CN (Tổng hợp)-Thứ hai, ngày 25/02/2013 07:46 GMT+7

Lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc

(VTV News) - Nếu bạn đến Hải Dương vào những ngày đầu Xuân này, chắc chắn sẽ không thể bỏ qua lễ hội Côn Sơn – Kiếp Bạc vào những ngày sau Rằm tháng Giêng hàng năm với nhiều hoạt động hấp dẫn.

Côn Sơn, Kiếp Bạc là hai tích lịch sử nổi tiếng của huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Chùa Côn Sơn tọa lạc trên xã Cộng Hòa, nằm giữa hai dãy núi Phượng Hoàng - Kỳ Lân cách Hà Nội khoảng 70km. Chùa là một trong 3 trung tâm của thiền phái Trúc Lâm thời Trần, được trùng tu mở rộng năm 1304 và được Bộ Văn Hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam xếp vào hạng quốc gia. Đây là quần thể gồm chùa Côn Sơn, đền thờ Trần Nguyên Hãn và tưởng niệm Nguyễn Trãi.

Còn đền Kiếp Bạc thuộc địa phận hai thôn Dược Sơn và Vạn Kiếp, xã Hưng Đạo; là nơi thờ phụng Phạm Ngũ Lão, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và gia quyến của ông. Cái tên Kiếp Bạc là ghép từ tên của hai vùng Vạn Yên (làng Kiếp) và Dược Sơn (làng Bạc). Đền cách Hà Nội khoảng 80km theo quốc lộ số 1 đến Bắc Ninh rẽ sang đường quốc lộ số 18 và cách chùa Côn Sơn khoảng 5km.

Khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc từ lâu đã được nhiều du khách biết đến. Không nằm cách quá xa Hà Nội, nên nếu bạn muốn đến thăm quan và tham gia lễ hội Côn Sơn – Kiếp Bạc những ngày đầu Xuân, bạn có thể lựa chọn đi bằng ô tô hoặc xe máy.

‘ Lễ rước nước (Ảnh: Báo Hải Dương)

Là một trong bốn hoạt động chính của tỉnh Hải Dương nhằm hưởng ứng Năm du lịch quốc gia khu vực đồng bằng sông Hồng – Hải Phòng 2013, lễ hội Côn Sơn – Kiếp Bạc Xuân 2013 sẽ được tổ chức với quy mô lớn. Về di tích Côn Sơn (Chí Linh) những ngày này, ấn tượng là sắc màu sặc sỡ của cờ hội, hồng kỳ, băng-rôn.

Theo kế hoạch, tại Khu di tích Côn Sơn, từ ngày 23/02/2013 (14 tháng giêng âm lịch) đến ngày 26/02/2013 (17 tháng giêng âm lịch) sẽ diễn ra các hoạt động như: Lễ dâng hương tại chùa Côn Sơn, đền Trần Nguyên Đán, đền Nguyễn Trãi; thi giã bánh giầy. Lễ hội Xuân Côn Sơn – Kiếp Bạc 2013 sẽ chính thức khai mạc vào ngày 25/2 (16 tháng Giêng âm lịch).

Lễ hội truyền thống mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc năm nay nhằm tưởng niệm 679 năm ngày mất của Huyền Quang tôn giả, vị tổ thứ 3 của Thiền phái Trúc Lâm (1334-2013), tôn vinh công đức to lớn của Thiền phái Phật giáo Trúc Lâm trong sự nghiệp thống nhất tôn giáo, bảo vệ Tổ quốc; tiếp tục tuyên truyền quảng bá các giá trị của khu Côn Sơn - Kiếp Bạc được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt năm 2012; nâng cao ý thức, trách nhiệm của nhân dân trong gìn giữ, phát huy giá trị truyền thống và phục vụ nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của đông đảo nhân dân cả nước. Lễ hội năm nay còn có sự kiện công bố Quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh Lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đợt 1.

‘ Hội thi pháo đất (Ảnh: Báo Hải Dương)

Đắm mình vào lễ hội Côn Sơn du khách còn được tham dự nghi lễ rước nước, lễ mộc dục (lấy nước tắm tượng) linh thiêng hay lễ mông sơn thí thực gần gũi, dân dã, thể hiện uy linh, tinh thần từ bi, hỉ sả cứu độ chúng sinh của nhà Phật, của Tam tổ Trúc Lâm và bố thí cho các cô hồn, cầu cho quốc thái dân an, thế giới hòa bình. Làm nên sự độc đáo, hấp dẫn của lễ hội Côn Sơn – Kiếp Bạc còn có các hoạt động hội đa dạng, phong phú gắn liền với sự tích, nhân vật được thờ nơi đây.

Côn Sơn có hội vật truyền thống, đu tiên, chọi gà, viết thư pháp, cờ tướng. Kiếp Bạc lại cuốn hút với thi nấu cơm, múa rối, bắt vịt, đua thuyền chải. Với lễ hội năm nay, các trò chơi dân gian như: chọi gà, hát quan họ, viết thư pháp… và hoạt động biểu diễn nghệ thuật cũng phong phú hơn so với các năm trước.

Đặc biệt, lễ hội năm nay nhằm hưởng ứng Năm du lịch quốc gia khu vực đồng bằng sông Hồng - Hải Phòng 2013, để tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, tiềm năng du lịch tỉnh nhà, lần đầu tiên Hội thi gói bánh trưng, giã bánh giầy và Hội thi pháo đất sẽ được tổ chức tại khu vực sân chùa Côn Sơn. Đây chắc chắn sẽ là các hoạt động thu hút được nhiều du khách hơn về với lễ hội năm nay. Bên cạnh đó, hội thi đấu vật dân tộc truyền thống vẫn tiếp tục được duy trì.

‘ Hội thi gói bánh chưng, bánh giầy (Ảnh: VOV)

Tổ chức hội thi gói bánh chưng, giã bánh dày vừa là hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc, đồng thời từng bước xây dựng thành sản phẩm du lịch của tỉnh. Năm nay, phần gói bánh chưng có 2 sản phẩm bánh mặn và bánh chay. Các sản phẩm bánh chưng, bánh dày của các đội sẽ trở thành lễ vật dâng cúng tại các nơi thờ tự của di tích.

Trò chơi pháo đất cũng là một sản phẩm dân gian độc đáo của vùng đồng bằng sông Hồng trong đó có Hải Dương. Đánh pháo đất hiện vẫn có sức sống mạnh mẽ trong đời sống văn hóa dân gian của người dân Hải Dương, tập trung ở các huyện Ninh Giang, Tứ Kỳ và đang lan tỏa ra nhiều địa phương khác.

Việc tổ chức các cuộc thi đấu vật, gói, luộc bánh chưng, giã bánh dày, đánh pháo đất tại lễ hội mùa xuân Côn Sơn – Kiếp Bạc cũng là dịp để Hải Dương quảng bá, giới thiệu những di sản văn hóa đặc sắc riêng đến người dân, bạn bè trong và ngoài nước trong dòng chảy chung của văn hóa đồng bằng sông Hồng.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước