Cũng có nghề điêu khắc gỗ truyền thống như Việt Nam, nhưng bằng những cách phát triển thiết thực, khoa học gắn yếu tốc lịch sử với du lịch tâm linh, đảo Bali,
Indonesia đã tìm hướng đi cho nghề thủ công mỹ nghệ tại nhiều làng nghề để tăng thu nhập cho người dân và giới thiệu sản phẩm ra thế giới.
Kemenuh Mas là một trong những khu làng cổ nhất của đảo Bali, Indonesia với hơn 1.000 năm tuổi. Nơi này rất phong phú gỗ da cá sấu- 1 loại nguyên liệu rất thích hợp để điêu khắc gỗ cao cấp. Indonesia là đất nước Hồi giáo, nên nhu cầu về tượng gỗ để thờ cúng rất lớn. Những người dân làng từ cụ già đến trẻ em, đều có tay nghề tinh xảo điêu khắc tượng gỗ. Hơn 1.000 năm qua, người dân trong làng luôn cha truyền, con nối từ thế hệ này sang thế khác những bí quyết của nghề điêu khắc gỗ. Những sản phẩm gỗ tự nhiên được làm thủ công của người dân làng nghề này, giờ đây không chỉ tiêu thụ trong phạm vi nhỏ hẹp của địa phương nữa.
Mặc dù làng nghề mới chính thức phát triển từ 13 năm nay, tuy nhiên với truyền thống đã có từ hơn 1.000 năm qua cùng với bàn tay khéo léo tinh xảo của người dân nơi đây cũng như là cây gỗ quý da cá sấu, đã tạo nên những đồ thờ cúng mỹ nghệ nổi tiếng không chỉ ở trong vùng Bali mà còn ở khắp đất nước Indonesia.
‘ Các sản phẩm điêu khắc gỗ tinh xảo của ngôi làng được nhiều du khách ưa chuộng.
Mặc dù đã tồn tại qua hàng chục thế kỷ, thế nhưng sự phát triển chỉ bắt đầu từ năm 1999. Chính quyền tỉnh Bali nhận thấy, đây có thể là một điểm nhấn trong chuỗi phát triển du lịch của hòn đảo xinh đẹp này - một nơi nghỉ mát nổi tiếng thế giới. Từ đó, họ đã tập trung quảng bá lịch sử làng nghề, tổ chức nhiều cuộc triển lãm giới thiệu sản phẩm được làm hoàn toàn thủ công, ra quốc tế.
Bà Madeatia Wati - Chủ cơ sở sản xuất gỗ làng Kemenuh Mas, Bali, Indonesia cho biết: “Chúng tôi tập trung vào độ tinh xảo và đa dạng sản phẩm. Như vậy, tay nghề của người thợ thủ công phải rất cao. Tập trung đào tạo bài bản, kết hợp với những bí quyết gia truyền của từng gia đình đã tạo nên sự độc đáo cho sản phẩm gỗ và như vậy, thương hiệu làng nghề càng được nâng lên”.
Khách quốc tế đến đảo Bali tham quan những khu du lịch, khu di tích của đạo Hồi, bao giờ cũng tìm đến và mua sản phẩm làng nghề vì các điểm đó nằm liền kề nhau. Khi về nước, họ lại giới thiệu cho bạn bè về sản phẩm của làng nghề cổ. Kênh thông tin này rất quan trọng. Tuy nhiên, chính quyền tỉnh Bali đã xắn tay vào cuộc bằng cách hạn chế và cấm xuất khẩu nguyên vật liệu thô, để đáp ứng nhu cầu sản xuất của ngành thủ công mỹ nghệ. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng áp dụng mức thuế xuất khẩu ưu đãi đối với các sản phẩm thủ công này và tăng cường hỗ trợ đào tạo, cấp chứng chỉ nghề cho người lao động, để có thể được công nhận trong toàn ASEAN sau năm 2015.
Anh Nyoman - Hướng dẫn viên Công ty du lịch Asia World, Indonesia chia sẻ: “Chính quyền địa phương và Hiệp hội làng nghề ở đây hỗ trợ người dân những khoản vốn vay ưu đãi để mua và phát triển gỗ nguyên liệu. Còn hướng dẫn viên du lịch chúng tôi luôn xác định giới thiệu với du khách quốc tế về lịch sử lâu đời của làng nghề”.
Gắn du lịch tâm linh với du lịch làng nghề có yếu tố lịch sử lâu đời, hỗ trợ các Hiệp hội làng nghề đào tạo kỹ năng, tay nghề cho người lao động, hợp tác chặt chẽ giữa các Hiệp hội làng nghề với trung tâm khoa học kỹ thuật - công nghệ và giới nghệ sĩ, nghệ nhân… là những phương thức nhằm nâng cao giá trị gia tăng của các sản phẩm ở Bali. Từ cách làm của Indonesia, một nước cùng là thành viên Asean và cũng có những nét tương đồng về nghề thủ công mỹ nghệ, có thể gợi mở cho chúng ta tham khảo khi bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống, để cất cánh cùng với năm Giáp Ngọ.