Khám phá ngôi nhà "ấm về đông, mát về hè" trên cao nguyên đá Đồng Văn

Theo Dantri-Thứ năm, ngày 19/03/2015 09:10 GMT+7

VTV.vn - Ngôi nhà Trình Tường đất là nhà truyền thống của người H’Mông và người Hà Nhì ở vùng Tây bắc của Việt Nam.

Người H’Mông thường sống trên núi cao, khi hậu lạnh, khắc nghiệt nên ngôi nhà của họ phải ấm về mùa đông, mát về mùa hè. Ngôi nhà Trình Tường đất là nhà truyền thống của người H’Mông và người Hà Nhì ở vùng Tây bắc của Việt Nam.

Nhà người H’Mông thường có 3 gian với 2 cửa, một cửa chính, một cửa phụ và có vài ba cửa sổ. Vào ngày tết, cửa chính thường được dán miếng vải màu đỏ - chỗ để ma cửa ngự. Trong 3 gian nhà chính, gian bên trái dùng để đặt bếp lò và chỗ ngủ của vợ chồng chủ nhà. Gian bên phải đặt bếp sưởi và giường khách. Gian giữa rộng hơn để đặt bàn thờ tổ tiên và là nơi tiếp khách, ăn uống của gia đình. Hai gian trái đặt cối các loại dụng cụ chế biến thức ăn như cối xay, cối giã…

Với nhà của người H’Mông ở cao nguyên đá Đồng Văn thì bao quanh thường có bờ tường đá. Đá được xếp rất cẩn thận, chắc chắn và cao khoảng ngang đầu người để bao quanh 1 hoặc vài ba nhà – là anh em ruột sống gần nhau. Với nhà khá giả thì bức tường đá được xây chắc chắn hơn. Qua thời gian, những bức tường rào bằng đá phủ một màu rêu phong rất đẹp mắt. Một cánh cổng gỗ được làm khá cầu kỳ và thường đóng kín. Chuồng gia súc, gia cầm cũng được xây dựng trong bờ tường đá, sát với nhà ở.

Người H’Mông rất chú trọng việc chọn đất làm nhà. Sau khi chọn được đất tốt, anh em họ hàng tiến hành san nền, kê móng, trình tường nhà. Việc trình tường ngôi nhà được tiến hành bởi các thanh niên trai tráng trong làng giúp sức, không cho phụ nữ và người lạ vào xem. Họ làm những chiếc khuôn gỗ có chiều dài 1,5m, rộng 0,45-0,5m tuỳ vào độ khá giả và khí hậu ở địa phương, càng lạnh thì tường càng dày. Đất dùng để trình tường được là đất thịt có độ kết dính cao, màu sáng và được loại bỏ tạp chất, đá. Người ta đổ đất đầy khuôn gỗ, dùng những chiếc vồ nện chặt đất, tiếp tục cho đến khi hoàn thành ngôi nhà.

Mái nhà Trình tưởng của người H’Mông tại Đồng Văn thường là ngói âm dương kiểu cổ, khác với nhà trình tường của người Hà Nhì xưa ở Lào Cai – lợp bằng gỗ pơ mu, gỗ Sa mộc hoặc vỏ cây. Với mái gỗ này, lâu năm cây cỏ sẽ mọc xanh tốt và khiến cho ngôi nhà như một mảnh vườn thu nhỏ. Trong khi mái ngói của nhà trình tưởng tại Đồng Văn được rong rêu mọc lên và đổi màu theo khí hậu trong năm, lâu ngày thành màu nâu đen cổ kính, lẫn vào màu của đá. Nhìn từ trên cao, màu của hoa đào, hoa mận được nổi bật trên nền đá, tô điểm cho sắc xuân của bản làng.

Quanh nhà người H’Mông không thể thiếu các loài hoa nở về xuân như đào, mận, lê, cải vàng, cải trắng… Một bức tranh muôn màu về xuân của bản làng người H’Mông không thể thiếu quần áo đẹp của trẻ nhỏ. Những bản làng còn giữ được tập tục ăn mặc đồ truyền thống thì màu sắc của quần áo trẻ em và phụ nữ ở đây giống như màu của hoa núi rừng, nổi bật giữa nền đá.

Tết của người H’Mông đến sớm hơn tết nguyên đán gần 1 tháng, cho nên khi du khách đang du xuân thì người dân ở đây đã ra đồng, lên rẫy. Một vụ xuân mới tràn ngập niềm vui và hy vọng của người dân ở Cao nguyên đá Đồng Văn được chúng tôi ghi lại qua chuyến du xuân năm 2015.

Ngày xuân, để tránh những ồn ào của phố thị, thả mình vào thiên nhiên, cùng vui với trẻ em miền núi, thưởng thức cái tết với hoa cỏ mùa xuân có thể là một lựa chọn hoàn hảo cho dân phượt từ thành phố.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước