Chất lượng phục vụ du lịch còn bỏ ngỏ

Trọng Ninh-Thứ tư, ngày 30/10/2013 10:44 GMT+7

 Những địa phương có tốc độ phát triển nhanh về du lịch đã phải lật lại bài toán nhân lực từng bị bỏ ngỏ để tìm lời giải chính xác cho vấn đề mất cân đối cung - cầu hiện nay.

Tại TP Phan Thiết (Bình Thuận), 90% nhân viên phục vụ tại các nhà hàng đều chưa qua bất kỳ một khóa đào tạo nào về du lịch. Nhà hàng đang mọc lên như nấm và cung cách phục vụ mang tính tự phát cũng rộ theo.

Điều đáng nói, những nhà hàng hay quán ăn này lại là nơi thu hút một lượng khách đông đảo đến từ khắp nơi, nên sẽ không thể lường trước được những bất cập nảy sinh. Còn đối với những nơi được chú trọng hơn trong công tác phục vụ thì số lượng nhân viên được đào tạo cũng không đủ để đáp ứng.

Bà Võ Hoàng Tuyết Linh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận cho biết: “50% nguồn nhân lực du lịch của tỉnh được đào tạo cơ bản qua các trường lớp. Số chưa được đào tạo phải phối hợp với các doanh nghiệp cùng các trường đào tạo nghề nghiệp chuyên môn mới đáp ứng được nhu cầu hiện nay của du khách”.

Bình Thuận là địa phương có tốc độ phát triển các loại hình kinh doanh du lịch khá nhanh. Khoảng 12.000 lao động đang tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp trong các khâu phục vụ khách. Số lượng kinh qua đào tạo du lịch lại quá ít so với nhu cầu thực tế đặt ra, buộc doanh nghiệp phải tự tìm hướng đi.

Mặc dù khả năng cung cấp nhân lực cho thị trường du lịch đối với một số trường còn thấp nhưng ngay cả số sinh viên ra trường cũng chưa hoàn toàn đáp ứng được những đòi hỏi đối với các doanh nghiệp.

Ông Phạm Anh Kha, Giám Đốc điều hành Seahorse Resort, tỉnh Bình Thuận cho biết: "Với lượng khách quốc tế ngày càng nhiều thì yêu cầu kỹ năng của nhân viên về ngoại ngữ vi tính càng lớn. Các nơi đào tạo chưa chú trọng về việc này do vậy khi sinh viên ra trường phần lớn doanh nghiệp phải đào tạo lại".

Tại hội thảo Quốc gia về nguồn nhân lực và phát triển du lịch Bình Thuận do Bộ VH TT&DL phối hợp với trường Đại học Phan Thiết tổ chức, đã ghi nhận nhiều ý kiến xoay quanh chủ đề tìm lối thoát cho sự mất cân đối giữa nguồn nhân lực so với tốc độ phát triển.

Các chuyên gia cho rằng cần có một lực lượng được đào tạo theo hình thức xã hội hóa đầy đủ tính thiết thực, mang màu sắc sinh động của thị trường theo hướng phối kết hợp 3 yếu tố: Nhà nước - Doanh nghiệp - Nhà trường.

Xác định chất lượng nguồn nhân lực thông qua đào tạo là yếu tố quan trọng giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, tiến tới chuyên nghiệp hóa dần đội ngũ lao động trên thị trường là hướng đi thích hợp mà Bình Thuận sẽ áp dụng. Đây cũng là giải pháp cho bài toán mất cân đối cung - cầu về nguồn nhân lực phục vụ du lịch hiện nay.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước