Các khu vườn cổ ở Pháp - Đỉnh cao của nghệ thuật làm vườn

Anh Cường/KPTG-Thứ ba, ngày 08/04/2014 09:42 GMT+7

Nếu ai từng đến thăm Paris, có dịp dạo chơi trên những đại lộ rợp cây của Kinh đô ánh sáng hay lang thang trong những khu vườn Hoàng gia, hẳn đều có chút tò mò về sự chỉn chu tỉ mẩn của những hàng cây được tỉa cắt theo những khối hình học nghiêm ngặt hay sự sắp xếp đối xứng, trật tự theo hàng lối đến mức khó hiểu trong những không gian thiên nhiên đặc trưng của phong cách cổ điển Pháp.

Tất cả thực chất đều phản ánh một nhân sinh quan duy lí mạnh mẽ trong tư duy thẩm mỹ trong môn nghệ thuật cảnh quan của các nước lục địa thời Phục Hưng, đối lập quan niệm lãng mạn và phóng khoáng ở các nước Anglosaxon.

Manh nha thoát ly khỏi khuôn khổ thần học Kitô, tái tôn vinh những giá trị tự do trong văn hóa Hy-La, triết học hiện đại trong tương quan với mỹ thuật và kiến trúc đã tìm thấy ngay điểm đồng điệu ở trong nghệ thuật làm vườn kiểu Pháp. Hiện thân của một cột mốc quan trọng trong lịch sử ngành cảnh quan, những khu vườn thời Baroque đã mang đến những cái nhìn mới mẻ trong mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên, giữa khái niệm ego và thế giới qua chức năng biểu tượng sâu sắc.

Lịch sử các khu vườn trong những nền văn minh lớn luôn đi liền với tính biểu tượng về một thế giới khác. Ở phương Tây, những khu vườn đầu tiên trong văn hóa Kito được xây dựng theo hình mẫu của vườn Địa đàng - một thứ thiên đường hài hòa và bình yên được tạo ra bởi Thượng đế.

Nằm trong ảnh hưởng của phong trào Phục Hưng, vườn kiểu Pháp kế thừa những nghiên cứu về luật phối cảnh và cách sử dụng địa hình đặc trưng của các nhà làm vườn người Ý. Nếu so sánh với quan niệm cổ xưa dùng điểm nhìn của Thượng đế làm chuẩn mực, luật phối cảnh coi việc lấy điểm nhìn của kẻ quan sát làm trung tâm thực sự là một cuộc cách mạng về hội họa và tư tưởng.

Cao trào của phong cách cổ điển Pháp, vườn Hoàng gia của cung điện Versailles (1687), là một tác phẩm độc đáo với sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa nghệ thuật kiến trúc và cảnh quan được sử dụng như biểu tượng quyền lực chính trị của vua Louis XIV, nổi tiếng với câu nói “Nhà nước chính là Ta”.

Đại diện cho thời hoàng kim phong kiến Pháp, vua Louis kiêu hãnh không ưa gì kinh thành Paris đầy biến động. Ngài giao cho người làm vườn hoàng gia André Le Nôtre, họa sĩ Charles le Brun và kiến trúc sư Louis Le Vau nhiệm vụ biến khu đất săn của vua Louis XIII ở ngoại ô phía Tây thành một khuôn viên xứng tầm với Hoàng gia hùng mạnh nhất châu Âu thời bấy giờ. Trong suốt thời kì xây dựng hơn 40 năm, vườn Versailles đã trở thành một minh họa phong phú, một ví dụ điển hình trong suốt nhiều thế kỉ cho quá trình tự hoàn thiện của nghệ thuật làm vườn Pháp.

Để tìm hiểu thêm, mời các bạn cùng xem video sau đây:


Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước