Buổi sáng đầu tháng 7 mà bầu trời trong veo, gió mát lồng lộng ở khúc ruột miền Trung – Hà Tĩnh. Trong Khu di tích quốc gia đặc biệt Đại thi hào Nguyễn Du, những hàng cây xanh mát, ao sen nở hồng ngát hương, hoa ngâu cũng xòe cánh trắng xinh như đang "mỉm cười". Giữa khung cảnh rất đỗi bình yên ấy, là những đoàn du khách thập phương đến tham quan và nghe chuyện đời của Nguyễn Du, sống lại với hồn thơ của Truyện Kiều. Và tôi cũng nằm trong số đó, một người yêu văn học nhưng khi đến đây, càng cảm thấy mình như….chưa biết gì.
Thơ chữ Hán của Nguyễn Du.
Đó cũng là tâm sự của chị Nguyễn Thị Vân Huyền, Hướng dẫn viên tại Khu di tích Nguyễn Du. Tiếp đoàn khách từ Hà Nội vào, chị Huyền say sưa thuyết minh về cụ Nguyễn Du, về Truyện Kiều với một tình yêu mãnh liệt đến nỗi ai trong chúng tôi cũng cảm nhận được. Theo chị, mỗi câu mỗi chữ của Nguyễn Du đều là tinh hoa thể hiện khả năng quan sát và tài dự đoán của ông. Truyền Kiều còn gợi ra những bài học về đối nhân xử thế, về ngôn ngữ giao tiếp. Như câu thơ "Gỡ cho ra nữa còn gì là duyên!", nghĩa rằng không phải lúc nào nói thẳng, nói thật cũng là tốt. Hay thông điệp "Chừa đường lui cho người khác là giữ chỗ đứng cho mình" được thể hiện qua cách cư xử của Hoạn Thư với Kiều.
Chị Huyền chia sẻ: "Tôi đã nghiên cứu về Truyện Kiều mấy chục năm, khi còn tấm bé, đến giờ hơn 20 năm làm việc tại đây vẫn đọc mỗi ngày. Tôi đọc đến đâu, thấy hay đến đó, hôm nay hiểu khía cạnh này, nhưng mai đọc lại vỡ ra nhiều khía cạnh khác. Để thực sự hiểu Truyền Kiều, còn phải đọc thêm những tài liệu tham khảo như Kim Vân Kiều Truyện, Từ điển Truyện Kiều, điển tích, từ điển âm cổ trong Truyện Kiều, và rất nhiều tác phẩm bình luận khác của những người đi trước….Khi được đứng trước du khách, nói về dòng họ mình, tôi cảm thấy tự hào vô cùng."
Chị Vân Huyền vui mừng đón nhận chia sẻ của du khách từ phương xa.
Nguyễn Du (1765 -1820) tên chữ là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên, sinh ra trong một gia đình khoa bảng nổi danh ở làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Ông là một nhà thơ, nhà văn hóa lớn thời Lê mạt Nguyễn sơ ở Việt Nam, được UNESCO vinh danh là "Danh nhân văn hóa thế giới". Tác phẩm "Truyện Kiều" của ông với 3.254 câu theo thể lục bát, được xem là một kiệt tác văn học, góp phần đưa văn học Việt Nam vượt ra khỏi quốc gia, trở thành một phần tinh hoa của văn hóa nhân loại, ghi dấu ấn trên thi đàn quốc tế. Thậm chí, tác phẩm đã được dịch ra hơn 20 ngôn ngữ với trên 60 bản dịch khác nhau. Tại mỗi quốc gia, tác phẩm để đời này đều được đón tiếp nồng nhiệt và có một đời sống riêng.
Đối với chị Lê Thị Phương Lan (Hà Nội), những câu thơ: "Đầu lòng hai ả tố nga/ Thúy Kiều là chị, em là Thúy Vân. Mai cốt cách tuyết tinh thần/ Mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười..." đã đi vào kí ức và đời sống của gia đình chị.
"Mình có bà ngoại 103 tuổi, từ bé khi ở với cụ, cụ đã ngâm Truyện Kiều. Đúng như cô hướng dẫn viên vừa mới nói, mặc dù không biết hết Truyện Kiều, không giỏi Văn, nhưng mình cũng nhớ một vài câu, từ đó đem lòng yêu mến Truyện Kiều. Hôm nay được dịp đến đây là một niềm vinh hạnh rất lớn đối với bản thân mình và gia đình, và cũng thỏa nguyện ước mong muốn truyền lại giá trị của Truyện Kiều cho thế hệ con cháu." – chị Lan bộc bạch.
Bà Nguyễn Thị Sinh (Hà Nội) cũng xúc động: "Gia đình tôi có 3 thế hệ thì cả 3 thế hệ đều rất vui khi đến đây. Mặc dù tôi cũng hiểu biết về đại thi hào Nguyễn Du, nhưng hôm nay bổ sung thêm được những gì mình chưa biết. Đây cũng là một địa điểm để Hà Tĩnh phát huy, giúp du lịch sinh động, hấp dẫn hơn."
Chị Phương Lan (váy xanh) chụp ảnh kỉ niệm với Độc bản Truyện Kiều nặng 75kg.
Bạn trẻ tìm hiểu về lịch sử, văn hóa qua những di vật.
Khu di tích Đại thi hào Nguyễn Du là một quần thể công trình kiến trúc thờ tự, tưởng niệm Nguyễn Du cùng những bậc tài danh kiệt xuất của dòng họ Nguyễn ở Tiên Điền. Những di sản văn hóa trong Khu di tích còn được bảo tồn có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học…, là nguồn tư liệu để tìm hiểu về tín ngưỡng, phong tục tập quán, đời sống văn hóa tinh thần của làng quê Việt Nam trong sự phát triển của lịch sử dân tộc. Với tinh thần tự hào, với khả năng thuyết minh truyền cảm, những hướng dẫn viên như chị Vân Huyền đã giúp các thế hệ hiểu và trân trọng di sản tinh thần vô giá mà cha ông để lại. Và tin rằng: "Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn".
Đoàn khách lắng nghe câu chuyện về những công trình trong Khu di tích.
Tượng Đại thi hào Nguyễn Du. (Ảnh: Đậu Hà)
Càng ngày càng có nhiều du khách quan tâm đến Truyện Kiều thông qua Khu di tích quốc gia đặc biệt. (Ảnh: Đậu Hà)
Du khách có thể mua những cuốn sách về Truyện Kiều tại quầy đón khách.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!