Trần Đề là 1 trong 3 cửa đổ ra biển của sông Hậu và là nhánh thứ 9 (nhánh cuối cùng) của sông Cửu Long. Tại miền duyên hải huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng, nơi phù sa tìm về với biển, để lộ ra một vùng bãi bồi bất tận với nguồn lợi thủy sản dồi dào. Người dân xóm biển Mỏ Ó đã tự tạo cho mình một nghề độc đáo để có thể tận dụng nguồn lợi từ vùng bùn lầy ven biển.
Chờ con nước triều rút, khi lớp lớp phù sa dần lộ diện, khi hang hốc của vô số thủy hải sản dần rõ rệt, cư dân bắt đầu hành nghề. Mỗi loài mỗi tập tính khác nhau nên để dễ dàng săn bắt, cư dân đã tạo ra những kỹ nghệ săn bắt có một không hai.
"Mong" là tên gọi cho phương tiện mưu sinh trên bãi bồi, gồm những tấm ván ghép lại, rộng khoảng 3 tấc, dài khoảng 1 mét, làm từ gỗ tạp, nhẹ, có thiết kế tay cầm và khoang chứa. Với thiết bị này, bà con dễ dàng di chuyển trên bãi sình lầy lội. Tự bao giờ, lướt mong tìm bắt thuỷ sản trở thành 1 nghề hẳn hoi: Nghề đạp mong.
Đi theo con nước cũng lắm nỗi bấp bênh. Ngày trước nguồn lợi thủy hải sản tuy dồi dào nhưng giá thấp, chục ký cá đắp đổi được vài ký gạo, giờ đây, sản vật được giá thì sản lượng cũng lại vơi đi nhiều. Hành trình của nghề đạp mong những năm nay cũng "phải đi xa mới có cái ăn", bà con phải đem mong lên xuồng ghe ra bãi xa để lặn ngụp săn cá lớn. Biết là cực nhưng vẫn phải làm.
Vài năm trở lại đây, Sóc Trăng thường xuyên tổ chức "Ngày hội trượt mong" với nỗ lực khơi dậy, quảng bá sự độc đáo của nghề săn sản vật bãi bồi. Dẫu còn nhiều việc cần phải làm để biến nơi đây thành điểm dừng chân lý tưởng, thu hút được các nhà đầu tư, giúp cư dân có thêm thu nhập từ du lịch, song, ngày hội cũng ít nhiều tôn vinh nghề đẩy mong, vừa được công nhận là nghề truyền thống của bà con Trần Đề.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!