Tuổi 20 là tuổi của sức sống căng tràn cũng là thời của những cảm xúc lẫn lộn lên ngôi. Nhắc tới tuổi 20 là nói tới cái sôi động của tuổi trẻ, những niềm hạnh phúc hân hoan khi vào đời, khi được yêu, được tận hưởng cuộc sống. Hải Miên tiếp cận tới những thiếu nữ tuổi 20 bằng một lăng kính khác để đưa người đọc trải qua những cảm xúc khác nhau ở mỗi truyện ngắn của Visa.
Vẫn là viết cho người trẻ nhưng viết lại được cái sôi động, cái buồn vơ vẩn của tuổi 20 đã là hay, viết được cái mất mất khác biệt của tuổi 20 mỗi thời mới là khó. Hải Miên không ồn ào, nhưng câu chữ sắc lẹm đau đớn, đánh động vào tâm trí người đọc những vùng cảm xúc tưởng như bị đời sống vùi lấp.
Những nhân vật nữ trong truyện của Hải Miên đều là những người sành đời, sắc sảo trong ngôn ngữ. Họ lạnh lùng đặt ra những mục tiêu cho cuộc đời mình và gần như không gì ngăn cản nổi họ đoạt lấy nó, dù đó là đường tiến thực dụng. Những mối hận nho nhỏ trong cuộc đời họ chính là động lực tiếp sức để họ băng băng đi đến thành công.
Không lúc nào họ cảm thấy trống trải, họ vội vã chinh phục những đỉnh núi cao hơn. Họ muốn cầm nắm những thứ mình hình dung ra như: xe, như nhà, như một vị trí tốt ở một cơ quan… hơn là ngồi ngẫm nghĩ về những khoảng trống sau thành công.
Nhân vật trong truyện không ngại bộc lộ ra những suy nghĩ trong lòng mình và luôn dùng đại từ “tôi” trong mọi phán xét để người đọc tha hồ mà đánh giá mình nhưng tác giả thì lại thể hiện được sự cay độc của mình một cách trực tiếp nhất.
Visa - 1 chiếc thẻ thông hành được thể hiện đa dạng, phong phú, muôn màu muôn vẻ qua mỗi mẩu truyện ngắn. Đó là tấm visa thực của một cô gái ở một nước thứ 3 mong muốn được gặp gỡ người yêu mình trong thế giới thứ 3. Xa hơn, đó là tiền - thật nhiều tiền để có được 1 vé thông hành từ những con thú nhún (những người hát bè đằng sau ca sỹ) để được đứng chính trên sân khấu, để từ diễn viên phụ có được một vai diễn mơ ước hai chục năm trời và đỉnh cao nhất là một cái vé thông hành cho chữ nghĩa của những người viết văn.
Tác giả hoàn thiện tác phẩm trong vòng 3 tuần. Nói về con số giật mình đó, tác giả nhớ lại: “Sau đó tôi “chết” đúng một tháng, không làm gì ngoài ăn, ngủ, đi ra và đi vào và cứ nhìn thấy chữ là tránh". Tuy vậy, đọc tác phẩm ai cũng cảm nhận được một điều rằng 3 tuần đó chỉ là 3 tuần dồn nén của bao nhiêu năm trải đời, bao nhiêu năm lăn lộn.
Hãy đọc Visa để cảm nhận cuộc sống muôn màu và hãy cùng suy nghĩ với tác giả về những suy tư của người trẻ trong thời đại này và để học cách bước qua lằn ranh của sự hiểm nguy.