Chúng tôi đến Thổ Hà vào một sớm tinh mơ mùa hạ. Đối với tôi, đó là một ngày đẹp và tình đến thơ mộng mà lâu lắm rồi tôi mới được cảm nhận. Ngắm bầu trời “thay màu áo” theo dòng thời gian, lòng tôi nao nao một nỗi niềm khó tả. Có lẽ, tôi đã được sống chậm lại sau những ngày ở thành phố tấp nập, nâng niu cái cảm xúc tinh tế với những thứ giản đơn bình thường. Để đến làng, tôi đi xe máy dọc theo đường đê bờ sông Cầu. Trước mắt tôi, một bên là vùng trời với những tầng mây nửa đen nửa trắng và mặt trăng sắp lặn; bên kia là chân trời vàng rực, thỉnh thoảng có đám mây ửng hồng len lỏi vào bầu trời xanh thẫm như họa thêm màu vào một bức tranh phía sau có mặt trời.
Thổ Hà là một làng quê thuộc xã Vân Hà, thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Đây là ngôi làng nằm tách bạch với trục đường lớn, tựa một “bán đảo” với ba mặt giáp sông Cầu và nằm sát ranh giới với huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Bởi thế, đây là một khu vực nông thôn truyền thống nhưng không có ruộng. Hầu như hoạt động sinh kế của người dân trong làng là làm nghề thủ công nghiệp. Xưa kia làm gốm, còn hiện nay làm bánh đa và bánh đa nem.
Cổng làng Thổ Hà. (Ảnh: Thanh Thảo)
Tôi đã từng nhìn thấy một phần của Thổ Hà qua các tấm hình chụp những phên bánh đa. Nhà văn Đỗ Bích Thúy nói đó là “một thứ tạo hình rất đẹp cho cả hội họa, nhiếp ảnh” và tôi cũng nghĩ như vậy. Nhưng phải đặt chân đến Thổ Hà, tôi mới thấy đây là một nơi có quá nhiều vẻ đẹp. Cái đẹp của làng là cái đẹp cổ kính, chân chất, dìu dịu với những thanh âm khe khẽ và nếp làng hiền từ. Ấn tượng ban đầu khi đến Thổ Hà của tôi là chiếc cổng làng phủ đầy rêu xanh, in đậm màu thời gian. Bên cạnh là ngôi đình. Phía sau là ngôi chùa. Cách xây dựng này phổ biến ở các làng quê Bắc Bộ truyền thống. Nhưng cái lạ, cái hay ở Thổ Hà là người ta có một không gian be bé ở sân đình để họp chợ. Nói là “chợ”, nhưng thực ra cũng chỉ có vài gian hàng nhỏ tí, xập xệ. Người ta trải bao, bạt ra đất rồi đặt lên mấy thứ hàng như: dép, rau, cau, trầu,... Nhưng trong không gian văn hóa đình làng, chầm chậm nhìn đời sống nhân dân diễn ra, tôi thấy loáng thoáng bóng hình của người xưa và cuộc sống cũ. Có lẽ, chính vì thế mà tôi thấy Thổ Hà bình yên hơn bất cứ đâu tôi đã từng ghé.
Dòng sông Cầu uốn lượn quanh làng. Tôi men dòng nước, đến một bến phà. Đó là bến phà duy nhất để qua sông. Tôi nghĩ, Thổ Hà là một trong những làng quê hiếm hoi ở Việt Nam mà cho đến tận hôm nay, nếu muốn đến thăm thì vẫn phải đi phà. Phà ở làng Thổ Hà chỉ có một, và nhỏ lắm, chở được xe máy, xe điện thôi. Nhưng lúc nào phà cũng chạy, bất kể nắng hay mưa, nhiều người hay ít người. Mỗi lần đi chỉ hết hai nghìn đồng, nếu thêm phương tiện đi lại thì thêm hai nghìn nữa. Phà thường dừng bên một con dốc ngắn và thoải dẫn lên làng, bên cạnh có cây đa to, mấy cụ già hay ngồi ở đó. Đối diện có mấy hàng quán với cái mái thấp và bàn ghế đơn giản, nhưng nó lại giống hệt hình ảnh trong những năm 70 - 80 của thế kỷ trước.
Hàng quán cạnh bến phà dẫn đến làng Thổ Hà.
Nụ cười hồn hậu của những cụ già khiến tôi nhớ về ông bà mình.
Chúng tôi dạo quanh làng, cẩn thận vượt qua những con ngõ nhỏ xíu. Ngõ ở Thổ Hà quanh co, chỉ đủ chỗ cho hai người đi bộ hoặc một người đi xe. Hầu hết chỉ toàn người đi bộ, ai cần đi xa mới đi xe. Già, trẻ, gái, trai đi bộ từ ngõ ra ngoài đầu làng ăn sáng, đi chợ, hồ hởi chào nhau. Tôi ngẫm nghĩ, nếu hai chiếc xe có vô tình gặp nhau trong những con ngõ này thì một chiếc sẽ phải dắt lùi để nhường đường cho chiếc kia. Rồi đi tiếp, chúng tôi bắt gặp những ngôi nhà cổ đến cả trăm năm tuổi, những bức tường bạc màu, những vách ngăn đắp bằng tiểu sành - cái vỡ, cái nguyên. Tiểu là vết tích còn lại của nghề gốm khi xưa. Thổ Hà, lâu lắm rồi, khoảng thế kỷ XIV, đã từng là trung tâm của nghề gốm.
Buổi sáng ở Thổ Hà nhộn nhịp. Tôi đã sống và đi qua nhiều làng quê Bắc Bộ, nhưng Thổ Hà là nơi giữ được nhiều nét đẹp truyền thống nhất. Người Thổ Hà dậy sớm tráng bánh đa và bánh đa nem. Nhà nào cũng lục đục từ lúc tờ mờ. Ngoài đầu làng rục rịch họp chợ. Họ dùng sức mình, chở hàng bằng những cái xe kéo. Chợ ở Thổ Hà là chợ làng. Người bán hàng ngồi men theo đoạn đường uốn khúc quanh đình. Một số khác ngồi tập trung ở khu đối diện. Họ bán cháo bánh canh, bánh khúc tai mèo, bánh rán, bánh sắn, bánh mì, trứng vịt lộn,... Tôi được anh Trung - người bạn đồng hành của tôi mua cho một chiếc bánh mì thịt nướng. Đó là hàng bánh mì dùng than hoa để nướng thịt và nướng bánh, không có bất kì loại máy điện nào. Gió sớm nhè nhẹ, thổi mùi thơm của thịt bay xa. Tôi cầm chiếc bánh trên tay, nhìn thấy những đốm nổ nhẹ ngoài vỏ bánh. Gần hai mươi năm rồi, tôi chưa được nhìn và thử lại cái hương vị này. Bên kia đường là chị bán nước. Tôi nhớ chị là người phụ nữ trạc 40 tuổi, cười duyên và rất yêu làng. Chị thao thao bất tuyệt nói với tôi về làng của mình, nhưng luôn khiêm nhường xưng “em”. Rồi tôi thấy mọi người gọi nhau lên phà vì phà sắp chạy. Chuyến phà tôi gặp có hơn nửa là học sinh cấp ba, mặc áo đồng phục, còn lại là công nhân nhà máy và một thương lái chở hàng.
Cứ 3h sáng hàng ngày, ngôi làng nhỏ bên sông Cầu lại thức giấc để bắt đầu một ngày lao động.
Chỉ vỏn vẹn vài ba tiếng ở làng, nhưng tôi thấy cuộc sống trong làng hiện lên rõ nét. Không gian yên tĩnh, không có tiếng còi inh ỏi. Nhà nhà tất bật làm bánh. Chợ họp trong đình và cạnh đình. Phà chạy mải miết dưới sông. Người qua người lại chào nhau bằng những câu hỏi thân thương. Tôi thấy họ quý nhau, và cũng quý khách. Lần đầu đến Thổ Hà nhưng tôi không có cảm giác lạ lẫm là vì thế. Và tôi mến mảnh đất này bởi hồn quê mộc mạc, chân chất rất lâu tôi mới tìm được.
Bình yên nơi làng quê bờ Bắc sông Cầu
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!