Kimchi ra đời do mùa đông khắc nghiệt kéo dài tại Hàn Quốc. Nó chỉ là rau củ ngâm, chủ yếu là cải thảo và được muối cùng tỏi và ớt. Để có một công thức Kimchi hoàn chỉnh như ngày nay là cả một quá trình lịch sử lâu dài. Và ở từng vùng, Kimchi lại có cách nhận diện khác nhau. Không chỉ là một món ngon, Kimchi còn mang giá trị trong văn hóa giao tiếp của người Hàn Quốc, bởi vào mỗi mùa đông, những gia đình Hàn Quốc thường không làm Kimchi đơn độc. Họ tụ họp cùng nhau để tạo ra món ăn dự trữ, điều hòa cơ thể trong cái lạnh cắt da cắt thịt.
‘ Kimchi có tới 187 loại. (Ảnh minh họa)
Chị Song Seong-Cheol - Người dân Hàn Quốc cho biết: “Tôi vui mừng và tự hào khi văn hóa muối Kimchi của chúng tôi trở thành di sản được Unesco công nhận. Tôi hi vọng rằng, văn hóa này sẽ được biết đến nhiều hơn trên toàn thế giới”.
Còn chị Lee Nara - Một người dân Hàn Quốc khác chia sẻ: “Với phụ nữ như chúng tôi thì muối Kimchi là một thước đo để đánh giá độ khéo léo của một người phụ nữ. Đây quả là một tin tốt. Kimchi sẽ được quảng bá rộng rãi hơn”.
Một cuộc khảo sát của Cục quản lý di sản văn hóa Hàn Quốc trong năm 2011, có tới 95% người Hàn Quốc ăn Kimchi hàng ngày. Hiện Kimchi có một bảo tàng riêng đặt tại Seoul - được thành lập để chuyên nghiên cứu về văn hóa, lịch sử của Kimchi nhằm phát triển hình ảnh của món ăn này trên toàn thế giới.
Có tới 187 loại Kimchi và các chuyên gia văn hóa ghi nhận người Hàn Quốc có một niềm tự hào vô cùng đặc biệt với món ăn này. Văn hóa muối Kimchi đưa tổng số danh sách di sản văn hóa phi vật thể của Hàn Quốc lên con số 16.