Tự hào chất lượng sản phẩm gốm sứ Bát Tràng

Minh Đức-Thứ ba, ngày 26/05/2020 10:45 GMT+7

VTV.vn - Cùng với gốm Phù Lãng, Hương Canh, Bàu Trúc… gốm Bát Tràng là cái tên quen thuộc với nhiều người tiêu dùng Việt, với nét đẹp uyển chuyển riêng biệt không lẫn vào đâu được.

Ngôi làng “biến đất thành vàng"

Làng Bát Tràng (Hà Nội) là một làng nghề truyền thống nổi tiếng về gốm sứ - món vật dụng mang nhiều ý nghĩa về tinh thần văn hoá người Việt, đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống thường ngày. Trải qua hàng ngàn năm làm nghề, làng Bát Tràng ngày nay vẫn tiếp tục “cha truyền con nối" nghiệp làm gốm sứ, lưu giữ tinh hoa và tri thức thông qua những món đồ gốm sứ tinh xảo.

Không chỉ dừng lại ở thị trường trong nước, gốm Bát Tràng cũng đang dần tìm cách cải thiện từng ngày để vươn xa hơn trên trường quốc tế. Nhằm hỗ trợ tốt nhất cho làng nghề, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hà Nội đã giới thiệu, hướng dẫn các hộ gia đình làm nghề tham gia chương trình OCOP, định hướng tốt hơn cho sản phẩm gốm sứ Bát Tràng.

Được biết, tại Bát Tràng hiện đã có 8 đơn vị tham gia chương trình OCOP, trong đó có 2 đơn vị là Hợp tác xã Quang Vinh và Hợp tác xã Tân Thịnh tham gia vào cuối năm 2019 đã đạt tiêu chuẩn 4 sao.

Nghệ nhân Tân Hằng - Chủ tịch Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh gốm Tân Thịnh cho biết, bản thân anh là một người con sinh ra và lớn lên tại Bát Tràng, tình yêu gốm đã ăn sâu vào máu thịt. Ngọn lửa truyền thống cha anh chảy hừng hực trong tâm khản nên lúc nào, anh cũng đau đáu trăn trở, làm thế nào để gốm làng Bát Tràng trở nên tốt hơn nữa, chất lượng hơn nữa, được người tiêu dùng đón nhận nhiều hơn hơn, đặc biệt là cạnh tranh phát triển ra thế giới.

Tự hào chất lượng sản phẩm gốm sứ Bát Tràng - Ảnh 1.

Dù sản phẩm gốm đã đạt 4 sao OCCOP nhưng nghệ nhân Tân Hằng vẫn luôn trăn trở với nghề, tìm cách hoàn thiện sản phẩm từng ngày

“Trải qua gần 30 năm làm nghề, tôi chưa bao giờ ngừng học hỏi để hoàn thiện hơn sản phẩm gốm của Bát Tràng. Không chỉ để lưu giữ những nét đẹp tinh hoa, văn hoá truyền thống trong sản phẩm mà người làm gốm cũng cần nắm bắt được xu thế đương đại, thổi hồn cho gốm, đáp ứng được nhu cầu và sở thích của người tiêu dùng, biến gốm không chỉ đơn giản là món đồ ứng dụng mà còn phải mang tính thẩm mỹ cao, nâng tầm giá trị sản phẩm hơn nữa" - Nghệ nhân Tân Hằng chia sẻ.

OCOP mang đến điều kiện phát triển tốt hơn cho làng nghề

Ông Hà Văn Lâm - Phó ban đại diện làng gốm Bát Tràng cho biết, làng gốm Bát Tràng vốn là một địa phương có thương hiệu về sản phẩm gốm sứ. Hiện ở ngôi làng này có đến hơn 1.000 hộ sản xuất đồ gốm, người dân nơi đây đã gìn giữ nghề từ bao đời nay, sinh nhai từ nghề làm gốm nên bất cứ ai cũng đến với nghề bằng cái tâm và tình yêu nghề sâu sắc.

Ông Lâm nhận định, mặc dù gốm Bát Tràng nổi tiếng khắp nước, thậm chí đã được xuất khẩu ra thị trường nước ngoài, song cách làm từ trước đến nay vẫn còn mang nặng cảm tính của từng hộ kinh doanh. Với sự hướng dẫn của Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn TP Hà Nội, làng Bát Tràng đã dần tiếp cận và tham giao Chương trình OCOP, thông qua bộ tiêu chí của OCOP giúp các hộ kinh doanh định hướng được những bước đi tiếp theo, từng bước hoàn thiện sản phẩm để nắm bắt thị trường tốt hơn, khẳng định thương hiệu gốm Bát Tràng trên thương trường.

Tự hào chất lượng sản phẩm gốm sứ Bát Tràng - Ảnh 2.

Ông Hà Văn Lâm (trái) mong muốn Chương trình OCCOP sẽ đem đến nhiều thay đổi tích cực cho làng gốm Bát Tràng

“Hiện ngoài 2 đơn vị đã đạt 4 sao OCOP, 6 đơn vị còn lại đang làm thủ tục, sản xuất những mặt hàng đạt bộ tiêu chí của OCOP" - Ông Lâm cho hay.

Bên cạnh những thuận lợi đã đạt được, Phó ban đại diện làng gốm Bát Tràng cũng chia sẻ thêm, việc tham gia chương trình OCOP sẽ đem đến nhiều cải thiện tích cực cho các hộ kinh doanh thông qua hoạt động truyền thông.

Ông đề đạt mong muốn làng nghề sẽ được tạo điều kiện để quảng cáo sâu rộng hơn, thường xuyên hơn nhằm làm rõ hình ảnh, giá trị của sản phẩm với người tiêu dùng. Đồng thời mở các điểm giới thiệu, bán sản phẩm cho người tiêu dùng nhằm tăng thêm tính học hỏi và cạnh tranh công bằng cho các hộ sản xuất..

“Để làm được điều này, làng Bát Tràng sẽ cần đến sự quan tâm của chính quyền địa phương, của thành phố để hỗ trợ động viên các làng nghề phát triển đúng hướng một cách mạnh mẽ và bền lâu" - Ông Lâm cho hay.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước