Trồng rừng xanh, sống an lành – Thông điệp từ Dự án trồng rừng của Cỏ Mềm

PV Giang Châu-Thứ tư, ngày 07/08/2024 08:00 GMT+7

VTV.vn - Biến đổi khí hậu không còn là một khái niệm xa vời. Bởi chỉ khi ở gần thiên nhiên, ta mới cảm nhận được rõ nét, tài nguyên quan trọng với cuộc sống con người như thế nào.

Cuộc gặp gỡ của những tâm hồn "xanh"

Là một người thường xuyên lên vùng cao với tần suất trung bình 1 – 2 chuyến mỗi tháng, tôi luôn thích không khí trong lành của núi rừng Tây Bắc. Cái nắng, cái gió trong veo và những mảng màu xanh khiến cho con người ta thật dễ chịu, bởi theo nghiên cứu, xanh lá của cây và xanh lam của trời là hai màu có tác dụng điều hòa mắt tốt nhất.

Thế nhưng càng đi nhiều, tôi càng nhận ra diện tích của những cánh rừng đang dần suy giảm. Thực tế vào tháng 6 vừa qua, trên đường đi tác nghiệp cùng bộ đội biên phòng ở Mộc Châu, Sơn La, tôi còn thắc mắc vì sao lại có nhiều đồi trọc như thế. Anh chiến sĩ bảo, vì sức ép của sản xuất nông nghiệp, người dân lấy đất rừng để trồng trọt cho đến khi hết chất dinh dưỡng lại chuyển sang khu vực đất khác. Bài toán cân bằng giữa "cái ăn" của bà con và việc giữ rừng để bảo vệ môi trường phải chăng thật khó?

Trồng rừng xanh, sống an lành – Thông điệp từ Dự án trồng rừng của Cỏ Mềm - Ảnh 1.

Trồng cây gây rừng là một trong những giải pháp quan trọng để ngăn chặn thảm họa từ biến đổi khí hậu

Thế rồi sợi dây vô hình đã kết nối những tâm hồn đồng điệu có chung tình yêu rừng, đam mê các hoạt động cộng đồng với nhau, gieo duyên cho tôi biết đến dự án "Rừng An Lành" của Công ty Mỹ phẩm thiên nhiên Cỏ Mềm. Không quá khi nói, dự án đã gỡ rối và giải quyết dần những trăn trở của chúng tôi về vấn đề trồng và bảo tồn rừng tại Việt Nam.

Bản Song, xã Chiềng La, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La, những ngày tháng 7, vấn đề hạn hán không chỉ là chuyện năm nào cũng có nữa, mà nó đã ảnh hưởng nghiêm trọng thấy rõ tới cuộc sống của người dân. Là xã mới đạt chỉ tiêu nông thôn mới năm 2024, song trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày một gia tăng, nhân dân Chiềng La chịu tác động lớn bởi các hiện tượng thời tiết cực đoan như sương muối, lũ quét, sạt lở, hạn hán… Ông Lò Văn Biển chỉ vào ụ đất vừa sạt lở làm mất một phần diện tích ao cá nhà mình, xót xa: "Chỗ này nhà tôi sạt lở gần 1 tháng rồi, mưa to quá nên đất trôi từ trên xuống. Chẳng biết thế nào…Trước mỗi năm còn bán được 1 – 2 tạ cá, chứ bây giờ cá chậm lớn, mà chết nhiều lắm."

Trồng rừng xanh, sống an lành – Thông điệp từ Dự án trồng rừng của Cỏ Mềm - Ảnh 2.

Ao cá bị sạt lở nhà ông Lò Văn Biển

Ông Trần Đức Vinh, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Huyện Thuận Châu cho biết: "Trong những năm gần đây, huyện Thuận Châu nói riêng và tỉnh Sơn La nói chung có thời tiết diễn biến thất thường. Năm 2023, lượng nước Sông Đà xuống mức báo động, 5 tháng liên tiếp không có mưa, một số bản không có nước để sử dụng nên phải mua nước ngọt với giá rất cao. Một nguyên nhân chính là do sự suy giảm diện tích rừng. Chính vì vậy công tác trồng rừng luôn được cả tỉnh quan tâm, kêu gọi hỗ trợ phủ xanh đất trống đồi trọc và nâng cao nhận thức cho bà con sống ở trong hoặc gần rừng."

Rừng quan trọng – điều mà ai cũng có thể biết. Tuy nhiên, để biến những mong muốn đó thành kết quả thì cần sự quyết liệt trong cả tư duy lẫn hành động. Đó cũng là lý do nữ Bí thư đảng Ủy xã Chiềng La đã đăng bài xin cây lên Facebook, rồi từ đó kết nối được với Trung tâm Phát triển Nông thôn bền vững SRD, cùng sự hỗ trợ của thương hiệu Cỏ Mềm để cho ra đời dự án "Rừng An Lành" tại Sơn La.

Trồng rừng xanh, sống an lành – Thông điệp từ Dự án trồng rừng của Cỏ Mềm - Ảnh 3.

Buổi tập huấn kỹ thuật được đông đảo bà con địa phương hưởng ứng

Chị Quàng Thị Phượng, Bí thư Đảng ủy xã Chiềng La tâm sự: "Trước đây mình công tác trong ngành nông nghiệp và cũng rất yêu ngành nông nghiệp. Mình biết rằng ở đâu đó trên đất nước có rất nhiều người muốn phát triển, bảo vệ rừng. Chính vì vậy khi nhận công tác ở đây, mình đã truyền lửa, tâm tư nguyện vọng của mình cho bà con, đặc biệt là các cán bộ xã. Đến hiện giờ, cả hệ thống chính trị của xã Chiềng La đã thay đổi nhận thức, bởi thực tế huyện Thuận Châu nói riêng hay tỉnh Sơn la nói chung đều là vùng nông thôn, không có gì có thể phát triển ngoài nông nghiệp cả. Vì vậy chúng mình muốn trồng cây để phát triển kinh tế, bên cạnh việc bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu."

"Thời điểm tốt nhất để trồng cây là 20 năm trước, thời điểm tốt thứ hai chính là ngày hôm nay"

Với tình yêu thiên nhiên bền bỉ và một cuộc gặp gỡ lý tưởng bất ngờ, Dự án Rừng An Lành By Cỏ Mềm năm 2024 đã được triển khai. Dự án bao gồm chuỗi hoạt động tập huấn - đào tạo kiến thức, kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng cho người dân bản địa và Triển khai trồng và làm giàu 2ha rừng đầu nguồn để bảo vệ nguồn nước, kết hợp chăm sóc, bảo vệ rừng theo đúng quy trình kỹ thuật và bàn giao lại cho chính quyền địa phương cùng người dân quản lý sau 5 năm.

Trực tiếp đồng hành cùng bà con gieo trồng xuống đất những cây con đầu tiên, Thạc sĩ, Dược sĩ Thuận Thảo – Sáng lập Mỹ phẩm thiên nhiên Cỏ Mềm xúc động:

"Mình rất yêu thiên nhiên, cây cỏ, nên lúc nào cũng muốn trồng được càng nhiều cây càng tốt. Những cây này được trồng xuống với tình yêu của người dân và cộng đồng thì chắc chắn sẽ lớn mạnh rất nhanh, và mong sao tỉ lệ phủ xanh rừng của Việt Nam sẽ càng ngày càng cao.

Mỹ phẩm thiên nhiên Cỏ Mềm được thành lập đến nay là năm thứ 9, với sứ mệnh chăm sóc con người và bảo vệ sự bền vững của môi trường, nên tất cả các hoạt động kể cả kinh doanh lẫn hoạt động xã hội đều hướng tới mục tiêu đó. Chúng mình có 2 hoạt động là xây dựng điểm trường cho trẻ em vùng cao và trồng rừng. Điều này vừa nhằm cải tạo môi trường sống, vừa tập trung giáo dục các em có nhận thức tốt hơn về lối sống bền vững."

Trồng rừng xanh, sống an lành – Thông điệp từ Dự án trồng rừng của Cỏ Mềm - Ảnh 4.

Các thành viên của dự án trong buổi trồng rừng tại Chiềng La

Cỏ Mềm là thành viên chính thức của VB4E – Liên minh Doanh nghiệp Việt Nam hành động vì môi trường và bảo tồn các giá trị thiên nhiên, do IUCN – Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế khởi xướng. Nhưng có lẽ những dự án cộng đồng ý nghĩa của doanh nghiệp này không chỉ vì trách nhiệm xã hội, mà còn xuất phát từ chính sự rung cảm của mỗi cá nhân với thiên nhiên, với cuộc đời.

Gần 3000 cây xanh được trồng xuống đất ở bản Song không chỉ có giá trị về nông nghiệp, mà còn gieo vào thẳm sâu khu vườn tâm hồn của người dân những hạt giống yêu thương và tia nắng ấm áp của hi vọng. Câu chuyện của "Rừng An lành" đã truyền cảm hứng cho những người được đồng hành cùng dự án, bạn Trần Phong Thái (26 tuổi, Hà Nội) chia sẻ sau khi kết thúc trải nghiệm trồng rừng: "Qua chuyến đi trồng rừng này, mình cũng như các bạn trẻ được nâng cao ý thức hơn về môi trường xung quanh, không chỉ có rừng mà còn về điện, nước, năng lượng và rác thải…bởi hành động của thế hệ trẻ sẽ dẫn đến kết quả cho tương lai. Chúng ta không còn nhiều thời gian, nếu không bắt tay ngay vào thay đổi thì sẽ không còn cơ hội cho thế hệ mai sau nữa. Dịch bệnh Covid cũng đã là một lời cảnh tỉnh cho mọi người. Mong rằng mọi người sẽ giúp môi trường của mình từ những hành động nhỏ nhất như tiết kiệm điện, bớt rác thải, trồng nhiều cây xanh…."

Trồng rừng xanh, sống an lành – Thông điệp từ Dự án trồng rừng của Cỏ Mềm - Ảnh 5.

Founder Cỏ Mềm trong buổi trồng rừng

Trong cuốn sách "Drawdown – 99 giải pháp để ngăn chặn thảm họa từ biến đổi khí hậu", các nhà hoa học đã chỉ ra rằng, khả năng tổng hợp và cô lập cacbon của cây cối thông qua quá trình quang hợp khi trưởng thành đã giúp việc gây rừng trở thành một hoạt động quan trọng trong thời đại nóng lên toàn cầu. Nhìn xung quanh biết bao ngọn đồi còn đang trọc, tôi suy tư rằng phải cần bao nhiêu dự án, bao nhiêu cây xanh, bao nhiêu buổi tập huấn mới có thể trả lại màu xanh như trước đây của Trái đất? Thế nhưng suy cho cùng, làm được chút nào hay chút ấy, dù nỗ lực của mọi người có mang đến sự thay đổi đáng kể hay không, nhưng chí ít, lòng chúng ta đã cảm thấy an lành.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước