Không chỉ khai thác các sản vật từ tự nhiên, nhiều năm gần đây, người dân Đồng Tháp cũng đã chủ động nuôi trồng để cung cấp theo nhu cầu ngày càng cao của thị trường, góp phần tăng thu nhập trong mùa nước.
Ao bông súng của ông Đoàn Văn Đông, ở xã Bình Thạnh, thành phố Hồng Ngự đang vào mùa khai thác. Hơn mười năm trước, khi đi đặt lợp cua và nhổ bông súng ở các cánh đồng xa, ông đã nhổ loại giống bông súng thân xanh này về trồng trong ao nhà mình. Từ hiệu quả ban đầu, giờ đây ông Đông đã mở rộng và liên kết trồng hơn 20 ao bông súng bán.
Khi con nước tràn đồng, bông súng vừa được mùa, vừa được giá.
Ông Đoàn Văn Đông (Xã Bình Thạnh, TP. Hồng Ngự, Đồng Tháp) - cho biết: "Bông súng đẹp xấu do nguồn nước, do hầm sâu và nguồn nước ổn định. Nếu ao nước ít, bông súng cọng chát không đẹp, ăn không ngon. Nước nhiều thì trồng đạt nặng ký, mới được bạn hàng thu mua giá cao".
Với hơn 20 ao trồng bông súng, có diện tích từ 3.000m2 đến hơn 2 ha, cao điểm vào mùa nước nổi, mỗi ngày gia đình ông Đông phải thuê thêm nhiều lao động để nhổ bông súng, sơ chế và giao hàng tận Bình Dương.
Chị Lê Thị Nở (Xã Bình Thạnh, TP. Hồng Ngự, Đồng Tháp) nói: "Từ khi làm bông súng, vừa vui lại vừa có thêm thu nhập".
Ông Đông chia sẻ: "Lúc đầu họ đặt chỉ có 100 đến 200 ký, bây giờ tăng lên số lượng trên 1 tấn mà vẫn không có đủ để đáp ứng đơn hàng".
Mỗi ký bông súng được giao có giá từ 10 ngàn, riêng bông súng cuộn khoanh thì có giá 12 ngàn đồng. Bông súng trồng tự nhiên, chỉ tốn công thu hoạch và đóng hàng. Trồng và bán bông súng đã góp phần khai thác hiệu quả lợi thế mùa nước nổi, tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình của người dân vùng đầu nguồn Đồng Tháp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!