Trẻ sinh non dễ bị bong võng mạc

O2TV-Thứ sáu, ngày 07/05/2010 08:05 GMT+7

Bong võng mạc là một bệnh lý thường thấy ở trẻ sinh non. Tại các nơi xa thành phố,nhiều bác sĩ sơ sinh chưa hiểu biết về bệnh này để chỉ định khám tầm soát cho trẻ.

Hầu hết trẻ sinh non, nhẹ cân đều mắc bệnh lý về võng mạc, đây cũng chính là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa ở trẻ dưới 6 tuổi. Tuy nhiên, bệnh này có thể điều trị được nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Bé Nguyễn Khánh Linh năm nay 4 tuổi, ngụ tại tỉnh Bình Dương. Bé sinh non 7 tháng, cân nặng chỉ có 1kg4. Sau khi sinh, bé không được khám tầm soát về mắt do không có sự nhắc nhở của bác sĩ và sự thiếu thông tin của gia đình. Đến khi bé hơn 3 tuổi, gia đình mới phát hiện ra mắt của bé có vấn đề và cho bé đi khám thì đã quá muộn. Mắt bên phải của bé đã bị bong võng mạc, mất hoàn toàn khả năng nhìn, còn thị lực mắt trái rất yếu.

Anh Nguyễn Khánh Được, ba của bé Linh chia sẻ: "Ở nhà tự nhiên thấy bé để đồ gần mắt để nhìn. Mình đoán mắt bé kém nên mới kiểm tra thị lực từng bên mắt của con. Kết quả mắt phải của bé không nhìn thấy. Mình hoảng hồn đưa con đến bệnh viện khám".

Bệnh võng mạc ở trẻ đẻ non là một bệnh lý thường gặp ở những trẻ sinh dưới 34 tuần, cân nặng dưới 2kg. Nguyên nhân do trong quá trình phát triển của thai nhi, mạch máu ở võng mạc bắt đầu từ phần trung tâm phía sau (đáy mắt) phát triển dần về phía trước và kết thúc khi thai đủ tháng. Đối với trẻ sinh non, quá trình này chưa hoàn thành nên rất dễ mắc bệnh lý võng mạc. Giai đoạn đầu, khi mạch máu không phát triển sẽ hình thành đường ranh giới giữa các mạch máu phía sau và vùng mạch phía trước võng mạc. Sau đó, xuất hiện tình trang tăng sinh xơ, tăng sinh tân mạch. Nếu không được phát hiện, quá trình này sẽ nặng thêm , gây bong tróc màng võng mạc và trẻ sẽ bị mù. Một khi trẻ bị bong võng mạc, sẽ rất khó điều trị. Hiện nay, phương pháp điều trị chủ yếu là bằng laser sẽ giúp trẻ sinh non tránh được nguy cơ mù cả hai mắt. Tỷ lệ thành công của phương pháp này rất cao, 90% có thể chữa khỏi nếu trẻ được phát hiện sớm.

Bác sĩ Lê Thị Kim Chi - Khoa mắt nhi Bệnh Viện Mắt TPHCM cho biết: "Ở một số nơi lân cận xa thành phố, các bác sĩ sơ sinh chưa hiểu biết rõ về bệnh này, thành ra chưa biết để giới thiệu cho bà mẹ và gia đình đưa trẻ sinh non tới khám.Tại bệnh viện Mắt, có những trẻ tới khám thì đã quá muộn. Có bé sinh được 2-4 tháng; người nhà phát hiện ra mắt bé không nhìn thấy hoặc con ngươi trắng lên, bé đã bị bong võng mạc, không thể điều trị được nữa và trẻ phải bị mù vĩnh viễn.

Với những trẻ sinh non, càng nhẹ cân, nhất là trẻ sinh non bị suy hô hấp, phải thở oxy nhiều, trẻ bị viêm phổi hay thiếu máu thì càng dễ mắc bệnh và bệnh càng nặng... Điều đặc biệt nguy hiểm là khi bệnh ở giai đoạn sớm thì nhìn bằng mắt thường không thể phát hiện được, vì nhìn bên ngoài mắt vẫn bình thường. Tuy nhiên, khi biểu hiện ra bên ngoài là bệnh đã ở vào giai đoạn muộn. Vì vậy, việc khám tầm soát mắt cho các trẻ sau sinh là rất quan trọng.

Các bác sỹ khuyến cáo, để kiểm soát tốt bệnh lý võng mạc ở trẻ sinh non, hạn chế tình trạng mù lòa ở trẻ, các bà mẹ nên đi khám ngay từ khi mang thai, khám định kỳ thường xuyên để nhận được những hướng dẫn cần thiết từ các bác sỹ.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước