Trao tặng 2 tác phẩm hội họa về Điện Biên Phủ và Hà Nội cho Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

PV-Thứ tư, ngày 20/11/2024 14:28 GMT+7

VTV.vn - Ngày 19/11, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức tiếp nhận 2 tác phẩm hội họa “Lá cờ - Đất Điện Biên” và “Thăng Long Đông Đô Hà Nội” do Họa sĩ Nguyễn Quân trao tặng.

Họa sĩ Nguyễn Quân trao tặng 2 tác phẩm hội họa về Điện Biên Phủ và Hà Nội cho Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam - Ảnh 1.

Tác phẩm tranh sơn dầu “Lá cờ - Đất Điện Biên” do họa sĩ Nguyễn Quân trao tặng Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. (Ảnh: TTXVN)

Họa sỹ nhà lý luận phê bình và nghiên cứu lịch sử mỹ thuật Nguyễn Quân cho biết, tác phẩm "Lá cờ - Đất Điện Biên" được ông sáng tác năm 1980 trên chất liệu sơn dầu, lấy cảm hứng từ niềm vinh quang và tri ân sự hy sinh anh dũng của người Việt Nam qua chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Tác phẩm tranh sơn dầu "Thăng Long Đông Đô Hà Nội", được ông sáng tác năm 2010, từng trưng bày tại triển lãm mỹ thuật nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long. Tác phẩm lấy cảm hứng từ việc mở rộng địa bàn thành phố Hà Nội. Đây là một bức tranh trừu tượng, được sáng tạo dựa theo 3 tấm bản đồ Thăng Long thời Lý, Đông Đô thời Lê và Hà Nội phát triển ngày nay.

Phát biểu tại lễ tiếp nhận, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam Nguyễn Anh Minh bày tỏ trân trọng tình cảm và nghĩa cử cao đẹp của họa sỹ Nguyễn Quân cùng gia đình dành cho Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, đối với 2 món quà vô cùng ‎ý nghĩa, được bổ sung vào sưu tập của Bảo tàng.

Ông Nguyễn Anh Minh cũng ghi nhận và cam kết sẽ lưu giữ, phát huy hiệu quả giá trị 2 tác phẩm này trong thời gian tới, khi có cơ hội, Bảo tàng sẽ trưng bày tác phẩm để công chúng thưởng lãm.

Họa sĩ Nguyễn Quân trao tặng 2 tác phẩm hội họa về Điện Biên Phủ và Hà Nội cho Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam - Ảnh 2.

Tác phẩm tranh sơn dầu “Thăng Long Đông Đô Hà Nội” do họa sĩ Nguyễn Quân trao tặng Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. (Ảnh: TTXVN)

Chia sẻ về công tác sưu tầm tác phẩm tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Giám đốc Nguyễn Anh Minh cho biết, hằng năm Bảo tàng đều tổ chức công tác nghiên cứu và sưu tầm tác phẩm nghệ thuật để bổ sung vào sưu tập của Bảo tàng. Tuy nhiên, ông Nguyễn Anh Minh cũng thừa nhận, thời gian qua, công tác sưu tầm tác phẩm mặc dù được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quan tâm, nhưng còn quá khiếm tốn. Đó là điều mà Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam trăn trở trong nhiều năm qua. Chính vì vậy, những món quà chất lượng và qu‎ý giá mà các họa sỹ dành cho Bảo tàng là hết sức ‎ý nghĩa trong công tác nghiên cứu sưu tầm.

Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Nguyễn Anh Minh bày tỏ mong muốn và kêu gọi các họa sỹ, nhà nghiên cứu, nhà sưu tầm, doanh nghiệp… tiếp tục ủng hộ, đóng góp cho công tác sưu tầm, hiến tặng bảo tàng những tác phẩm có giá trị, để bảo tàng có thêm nhiều hơn nữa tác phẩm mỹ thuật, để các thế hệ con cháu sau này có cơ hội được thưởng lãm các tác phẩm mỹ thuật của các thế hệ cha ông để lại.

Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Lương Xuân Đoàn cho rằng, tác phẩm "Lá cờ - Đất Điện Biên" là một sự đột phá về quan điểm, về đề tài lực lượng chiến tranh, những năm 80. Đây là một bước ngoặt, một "trang khác", một "dấu ấn" hết sức quan trọng đối với mỹ thuật đổi mới Việt Nam từ năm 1980.

"Họa sỹ Nguyễn Quân là người thiết kế cho lộ trình đổi mới của mỹ thuật Việt Nam. Ông cũng chính là người khởi động, tiếp lửa cho họa sỹ nhiều thế hệ sau này, góp phần tạo nên một bức tranh toàn cảnh cho nền mỹ thuật Việt Nam thời đổi mới", ông Lương Xuân Đoàn nhấn mạnh.

Họa sĩ Nguyễn Quân trao tặng 2 tác phẩm hội họa về Điện Biên Phủ và Hà Nội cho Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam - Ảnh 3.

Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam Nguyễn Anh Minh trao chứng nhận cho họa sĩ Nguyễn Quân. (Ảnh: TTXVN)

Họa sỹ, nhà lý luận phê bình và nghiên cứu lịch sử mỹ thuật Nguyễn Quân sinh năm 1948 tại Phú Thọ. Ông tốt nghiệp Đại học Merseburg, Đức năm 1971. Từ 1977 đến 1984, ông là Phó Chủ nhiệm khoa Lý luận và Lịch sử Mỹ thuật, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Từ 1984 đến 1989, ông là Ủy viên Ban thư ký Hội Mỹ thuật Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Mỹ thuật - Nhà xuất bản Mỹ thuật. Từ năm 1990, ông sống và làm việc tại nhà ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Ông là tác giả của 16 cuốn sách lý thuyết và lịch sử mỹ thuật, viết và công bố khoảng 1.000 bài viết nghệ thuật và văn hóa, trên các sách báo ở Việt Nam và nước ngoài. Ông là một trong những nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật và phê bình hàng đầu của nền mỹ thuật Việt Nam. Ông vừa là nhà lý luận, vừa là nghệ sỹ thực hành, có vai trò nổi bật trong việc thúc đẩy phong trào hội họa đổi mới của Việt Nam trong giai đoạn bản lề 1980 - 1990.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước