Trước đó, UBND TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp Liên đoàn Lân sư rồng thành phố và các đơn vị liên quan thực hiện kiểm kê và lập hồ sơ khoa học Di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật lân sư rồng TP Hồ Chí Minh
Nghệ thuật Lân Sư Rồng là một hình thức nghệ thuật trình diễn đặc trưng của người Hoa tại TP Hồ Chí Minh. Nhắc đến Lân Sư Rồng, khu Sài Gòn - Chợ Lớn được xem như cái nôi nuôi dưỡng và phát triển nhiều đoàn lân nổi tiếng hàng thập niên qua, thừa hưởng nhiều nét tinh túy của các thế hệ võ sư đỉnh cao gắn bó mật thiết với biểu diễn.
Nghệ thuật biểu diễn Lân Sư Rồng ở vùng Chợ Lớn có từ hàng trăm năm nay. Đây không chỉ là môn nghệ thuật, võ thuật, mà còn đem đến điểm lành, may mắn, bình an cho mọi người. Người Á đông quan niệm, dùng lân múa có thể xua đuổi tà ma, còn ông Địa sẽ mang điểm lành đến cho nhân gian, hình ảnh con rồng là cội nguồn của dân tộc, mang lại mưa thuận gió hòa, đời sống cơm no, áo ấm cho nhân dân.
Múa Lân Sư Rồng trong ngày Tết Nguyên tiêu ở Quận 5 (Ảnh: UBND TP Hồ Chí Minh)
Vì vậy, cho đến tận ngày nay, nhất là vào dịp Tết nguyên đán kéo dài đến hết tháng Giêng, các đoàn Lân Sư Rồng tại TP Hồ Chí Minh luôn tất bật, nhộn nhịp chuẩn bị phục vụ cho mùa khai trương, mừng năm mới. Bên cạnh đó, múa Lân Sư Rồng còn xuất hiện trong trong những dịp lễ hội, khai trương, Tết Nguyên tiêu, tết Trung Thu...
Hiện nay, tại TP. Hồ Chí Minh có tới hàng chục đoàn múa Lân Sư Rồng được thành lập. Ngoài phục vụ lễ, Tết thì các đoàn thường xuyên tổ chức thi đấu, biểu diễn để so tài với nhau.
Các đoàn như: Nhơn Nghĩa đường, Liên Nghĩa đường, Hằng Anh đường, Tinh Anh đường, Hào Dũng đường, Xuân Hoa đường… đã có quá trình hoạt động lâu dài, phát triển mạnh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!