Ngựa là con vật rất đỗi quen thuộc với con người. Nó có vai trò quan trọng trong cuộc sống thường nhật, cũng như khi trận mạc, chiến tranh, nên ngựa còn mang biểu tượng của sự dũng mãnh, trung thành và tận tụy. Bên cạnh đó, ngựa là loài ăn cỏ, sống trên núi, uống nước ở suối, vì thế nó còn là hình ảnh về sự thanh khiết, sang quý, không vướng những tục lụy của đời. Có lẽ đó là một trong những lý do mà người xưa chọn ngựa làm con vật để trang trí khá phổ biến trong nhiều công trình kiến trúc, đặc biệt là mô thức trang trí mang tính biểu tượng như con Long - Mã, hiện diện tại di tích Cố Đô Huế.
Vào thời Nguyễn, ngựa là một biên chế quan trọng đối với nhiều hoạt động, nhất là phục vụ trực tiếp cho nghi thức của triều đình. Do vậy, hình ảnh con ngựa đã được chọn đúc trên Huyền đỉnh và Anh Đỉnh, của Bộ Cửu đỉnh đặt trong sân Thế miếu, Đại nội Huế, nay đã là bảo vật quốc gia. Từ ngựa chuyển hóa thành Long mã là một bước chuyển trong quá trình nhận thức thẩm mỹ, gắn với quan niệm về triết lý. Đó là một linh vật kết hợp giữa rồng và ngựa.
‘ Hình tượng Long Mã
Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Đại Vinh cho biết: “Long Mã là con vật thiêng trong huyền thoại và gắn liền với truyền thuyết tối cổ của nền văn minh Hoa Hạ. Tức là vào đời Phục Hy vị vua thứ nhất của thời Tam Hoàng tối cổ của Trung Quốc khi vị vua này đó có được thiên hạ thì đã có huyền thoại về con Long Mã, là đầu rồng, mình ngựa xuất hiện trên dòng sông Hoàng Hà và nó chuyên chở một đồ hình gồm có 10 đường nét, 10 đường nét cơ bản đó hình thành nên bát quái sau này”.
Tại Huế, Long Mã xuất hiện nhiều nhất trên các bức bình phong, hai bên cổng tam quan của những cung điện, đền đài, đình, miếu, trong đó bức bình phong long mã tại Trường Quốc học Huế, xây dựng dưới thời vua Thành Thái năm 1896 được xem là bức bình phong nổi tiếng nhất tại Huế. Bên cạnh đó, Long Mã còn được trang trí cho một số đồ dùng bằng bạc, gỗ, đồ sứ và trang phục của các quan lại triều Nguyễn.
Theo nhà nghiên cứu văn hóa Trần Đại Vinh, từ lâu Long Mã được Nho giáo xem như là một hình tượng trang trí biểu hiện ước vọng về thái bình, an lạc và phát triển. Chính vì thế, tất cả các di tích từ cung điện lăng tẩm cho đến đình miếu dân gian đều có khắc hình Long Mã phù hà đồ. Đồ hình ấy khái quát giai đoạn ban sơ của vũ trụ như vậy là tiếp nối một dòng chảy. Nó song song tồn tại bên cạnh những mô thức trang trí của Lão giáo còn có mô thức của Phật giáo. Long Mã được gửi gắm ước mơ cuộc sống thanh bình và lạc nghiệp.
Từ Festival Huế 2004 trở đi, hình ảnh con Long Mã đã chính thức trở thành biểu tượng trên logo Fesstival Huế. Long Mã trên bình phong Quốc Học là nguyên mẫu của hình ảnh Long Mã trên logo của Fesstival.
Du khách đến Huế, khi dạo bước trong Hoàng thành, lăng tẩm của các vua triều Nguyễn, hay rong ruổi trên đường làng, ngõ xóm nơi thôn dã, đều có thể dễ dàng bắt gặp và chiêm ngưỡng Long Mã, bởi nó đã trở thành một mô thức không thể thiếu trong kiến trúc, trang trí Huế. Linh vật này, hẳn sẽ đem đến cho chúng ta không ít những suy ngẫm về lòng trung thành và sự tận tụy, cũng như khát vọng vượt qua trở lực để vươn tới đích chân - thiện- mỹ.