Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất - quốc gia thịnh vượng nhờ dầu mỏ đang phải đối mặt với một bài toán nan giải từ quá trình giàu lên nhanh chóng. Nơi đây hiện là một trong những quốc gia có tỷ lệ rác thải nhựa trên đầu người cao nhất thế giới, bắt nguồn thói quen tiêu thụ của người dân. Tuy nhiên có một doanh nghiệp tới từ Anh lại đang mang đến một giải pháp sáng tạo nhằm xử lý vấn nạn rác thải nhựa tại Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất đó là sản xuất các sản phẩm thời trang từ rác thải nhựa.
Những chiếc áo hợp thời trang từ nhựa không có vẻ gì khác biệt nhưng nó đang được kỳ vọng tạo nên một xu hướng thời trang mới tại Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất.
"Rác thải nhựa thực tế cũng được làm từ Polyester, chất liệu phổ biến để sản xuất vải hiện nay. Nó khiến chúng tôi nghĩ tới việc phải làm sao xử lý rác thải nhựa thành xơ và sợi để sản xuất vải thay vì phải dùng Polyester truyền thống, hiện chủ yếu được sản xuất từ dầu mỏ", ông Kris Barber - nhà sáng lập công ty Dgrade cho hay.
Khoảng không gian hơn 2.000m2 được ông Kris chất đầy rác thải nhựa, với ông đó là một gia tài. Rác thải nhựa, sau khi được rửa sạch, cắt nhỏ, sẽ nung chảy thành xơ. Xơ sau đó được kéo và xoắn thành sợi. Một tấn rác thải nhửa có thể sản xuất nửa tấn sợi. Vải có thể pha thêm cotton cho thoáng mát.
Ông Kris Barber nói: "Chúng tôi hầu như có thể làm mọi thứ từ loại Polyester. Quá trình sản xuất của chúng tôi được thực hiện dưới sự giám sát kỹ thuật kỹ lưỡng, đảm bảo sợi sản xuất theo phương pháp này chắc hơn nhiều so với các loại vải tái chế khác".
Hiện chi phí sản xuất các sản phẩm thời trang từ nhựa tài chế vẫn cao hơn vải truyền thống khoảng 15%. Tuy vậy, chi phí có thể giảm xuống với sự tiến bộ của công nghệ, đặc biệt khi người dân có ý thức hơn trong việc phân loại rác thải nhựa để tái chế.
Ông Saeed Al Mehairbi - quyền Giám đốc Công ty Xử lý rác thải Tadweer cho biết: "Sự tham gia của xã hội là vô cùng quan trọng và chúng ta chỉ có thể làm được điều đó khi cho mọi người thấy được những lợi ích rõ ràng của tái chế. Thông điệp sẽ thấm sâu khi những thành quả của tái chế có thể nhìn thấy và cảm thấy".
Theo ước tính của Diễn đàn kinh tế Thế giới, nếu rác thải nhựa được tái chế một cách đầy đủ sẽ tạo ra cho nền kinh tế thế giới thêm 120 tỷ USD mỗi năm. Tuy nhiên, hiện nay 90% rác thải nhựa vẫn không được tái chế. Những dự án như tại Dgrade mang đến cho mọi người những nhận thức mới mẻ và rõ ràng hơn về nhu cầu phân loại, tái chế rác thải nhựa trong cuộc sống.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!