Sau TP Hồ Chí Minh và TP Huế, dự án "Bản đồ Việt Nam thể hiện bằng nghệ thuật Boarc" lớn nhất thế giới tiếp tục hành trình tới Hà Nội.
Ngày 12/8, tại sân trường THCS & THPT Nguyễn Siêu, kỉ lục thế giới Bản đồ Việt Nam bằng nghệ thuật Boarc từ những tiếc tăm giang đã được thiết lập.
Hoàn thành dự án "Bản đồ Việt Nam thể hiện bằng nghệ thuật Boarc" tại Hà Nội.
Theo đó, trong 3 ngày từ 10-12/8, cha mẹ học sinh, giáo viên đã cùng nhau cắm những chiếc tăm giang chung tay hoàn tất Bản đồ Việt Nam bằng nghệ thuật Boarc. Đây là tác phẩm dự kiến sẽ xác lập hai kỉ lục thế giới "Bản đồ Việt Nam có nhiều người tham gia nhất" và "Bản đồ Việt Nam bằng tăm giang lớn nhất". Sau khi hoàn thành, tác phẩm sẽ được đấu giá làm từ thiện cho trẻ em mồ côi.
Từ những chiếc tăm giang bé xíu tạo nên một tác phẩm tầm cỡ là điều khiến thầy trò nhà trường vô cùng háo hức chờ đợi.
Tác giả hướng dẫn Đại tá - NGƯT Nguyễn Trọng Vĩnh đặt những cây tăm đầu tiên trên tấm bản đồ Việt Nam bằng nghệ thuật Boarc..
Lần đầu tiên, trên sân trường Nguyễn Siêu, biểu tượng hình chữ S "Bản đồ Việt Nam" thân yêu xuất hiện trong hình hài nghệ thuật của những chiếc tăm giang nhỏ bé, được trân trọng cắm bởi hàng chục ngàn bàn tay của người dân nước Việt, trên suốt hành trình từ Nam ra Bắc, để thiết lập một kỷ lục thế giới mới.
Tại sự kiện, KTS Hoàng Tuấn Long, người khai sinh ra nghệ thuật Boarc, tác giả của Bản đồ Việt Nam bằng tăm giang và ý tưởng nghệ thuật cộng đồng, chia sẻ: "Tác phẩm Bản đồ Việt Nam này ra đời xuất phát từ một thực tế và suy nghĩ đơn giản: Tôi có nuôi 30 bé mồ côi, song mỗi tháng, tôi thấy sự đóng góp của mình cho các bé rất là nhỏ bé, do đó tôi nghĩ ra cách làm một tác phẩm nghệ thuật cộng đồng để mọi người cùng tham gia rồi bán hoặc đấu giá và dùng số tiền đó để ủng hộ, nuôi dưỡng các bé.
KTS Hoàng Tuấn Long chia sẻ tại sự kiện.
May mắn được rất nhiều người ủng hộ, bản đồ này đã đi từ thành phố Hồ Chí Minh - tại ngày hội Du lịch thành phố, ra Huế - tại Festival Huế, và bây giờ đã có mặt tại Thủ đô Hà Nội, điểm trường Nguyễn Siêu. Dừng tại một ngôi trường có tất cả các em học sinh tham gia như vậy chính là lúc tiêu chí quan trọng nhất của bản đồ này - tính giáo dục - được biểu lộ.
Trong khi làm, các em có thể cảm nhận được đất nước mình với 63 tỉnh thành phân bổ ra làm sao, cao độ của các tỉnh như thế nào…, và quan trọng nhất ở đây là cái hồn của Tổ quốc Việt Nam thông qua hình ảnh trống đồng - biểu tượng cho nguồn cội văn hóa của chúng ta".
Một số hoạt động gây quỹ ủng hộ của các bạn học sinh tại sự kiện.
Cùng với đó, Ngày hội "Trao gửi yêu thương" dưới hình thức Flea Market - chợ phiên đặc biệt của Nhà trường - nơi học sinh và gia đình mình chia sẻ yêu thương bằng những đóng góp về tinh thần và vật chất, chung tay với các hoạt động thiện nguyện lần đầu tiên được tổ chức. Dưới hình thức "chợ phiên", các "mặt hàng" được gửi tặng hoặc trao đổi chính là sách vở, đồng phục và đồ dùng gia đình có thể đã cũ nhưng vẫn còn trên 70% giá trị sử dụng, đồ chơi, bút mực, bút chì, màu vẽ, truyện, quần áo…
Đúng với tinh thần ngày hội Trao gửi yêu thương, các bạn học sinh đã viết những lời nhắn gửi trên các tấm thiệp ấm áp sẽ được chuyển tới các em nhỏ vùng cao Điện Biên trong chuyến thiện nguyện sắp tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!