Người Nhật có truyền thống làm giấy lâu đời với hơn 1.000 năm lịch sử. Những tờ giấy washi với đặc trưng mỏng, mềm nhưng vẫn đủ độ dai để viết, vẽ một cách tùy ý từ lâu đã nổi tiếng khắp thế giới và được xem là niềm tự hào của người Nhật Bản.
Xưởng làm giấy Hidaka Washi là một xưởng nhỏ được xây dựng tại tỉnh Kochi từ năm 1949. Người Nhật có thể làm ra giấy từ nhiều chất liệu cây gỗ khác nhau, như từ vỏ cây dâu tằm, gai dầu, tuy nhiên Hidaka Washi chọn vỏ cây mâm xôi làm giấy.
Ông Yorioka Masao tại xưởng sản xuất giấy Hidaka cho biết: "Khi so sánh với các liệu gỗ khác thì cây mâm xôi có tơ sợi dài nên có thể dễ dàng tạo ra chất liệu giấy bền chắc nhưng vẫn mềm mại và mỏng.
Hidaka Washi nhập gỗ cây mâm xôi từ Thái Lan. Những người làm giấy sẽ vắt sạch nước rồi làm mềm, tước vỏ cây thành sợi nhỏ, tiếp theo là công đoạn tẩy trắng.
Tẩy trắng chính là công đoạn làm nên tên tuổi của các nhà sản xuất giấy. Xưởng Hidaka giữ bí mật chất tẩy mà công ty sử dụng để đảm bảo giấy giữ được màu trắng thuần khiết không bị ngả vàng theo thời gian.
Xưởng Hidaka có thể tạo thành các loại giấy có độ dày, mỏng khác nhau tùy theo yêu cầu của khách hàng, trong đó có loại giấy mỏng đến mức khó tin.
Trong suốt quá trình làm giấy, những người thợ Nhật Bản không ngừng kiểm tra và loại bỏ những nguyên liệu sần sùi, không trơn nhẵn hoặc không đủ trắng. Sản phẩm cuối cùng có thể được nhuộm thành nhiều màu khác nhau.
Quy trình sản xuất giấy Nhật Bản đòi hỏi rất nhiều thao tác lao động thủ công, nhằm đảm bảo khi sản phẩm giấy được hoàn thành không có tạp chất và đạt tiêu chuẩn cao nhất về chất lượng.
Ban đầu những người Nhật Bản đã du nhập kĩ thuật làm giấy từ Trung Quốc, nhưng qua thời gian đã phát triển một phương pháp sản xuất giấy hoàn toàn riêng biệt, tạo nên những tờ giấy washi vô cùng đặc trưng với chất lượng cao gần như những tác phẩm nghệ thuật. Trong thế kỉ 21, giấy washi vẫn có chỗ đứng vững chắc trong nền văn hóa và đời sống Nhật Bản.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!